Hải quân cũng như các lực lượng khác đang hoạt động tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) là điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển...
Âu tàu đảo Đá Tây là nơi tránh trú bão an toàn cho ngư dân khai thác thủy sản ở khu vực quần đảo Trường Sa
Nơi tránh trú an toàn
Hiện nay, huyện đảo Trường Sa có 4 âu tàu được xây dựng tại các đảo Trường Sa, Đá Tây, Sinh Tồn và Song Tử Tây. Đây là những nơi để ngư dân vào tránh trú khi gặp mưa bão trên biển. Trong đó, âu tàu đảo Đá Tây đang trong quá trình hoàn thiện có diện tích lớn nhất (13 ha), cửa luồng sâu, cùng lúc có thể cho khoảng 200 tàu trọng tải đến 1.000 tấn neo đậu. Cuối năm 2017, âu tàu này đã tiếp đón 21 tàu với 227 ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu tránh trú cơn bão số 16 an toàn. Ông Nguyễn Quốc Thanh, thuyền trưởng tàu BĐ 96556 - TS cho biết: “Trước đây chúng tôi phải mất 3 ngày mới về đến nơi tránh trú an toàn. Nay có âu tàu này thì chỉ cần 1 ngày. Bà con rất yên tâm khai thác, đánh bắt cá ở đây”.
Tại khu vực đảo Đá Tây và những đảo, điểm đảo lân cận thường xuyên có khoảng 800 tàu của ngư dân đánh bắt mực, cá ngừ đại dương. Trong những chuyến lênh đênh trên biển dài ngày, ngư dân rất cần được hỗ trợ về lương thực, thuốc men, nước ngọt, xăng dầu… Để ngư dân yên tâm bám biển, từ năm 2005, Trung tâm Dịch vụ nghề cá (thuộc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã được thành lập tại đảo Đá Tây. Ông Hồ Mạnh Tưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nghề cá cho biết đơn vị hiện có 15 cán bộ, nhân viên, 11 tàu chuyên dụng, trong đó 10 tàu chuyên chở nhu yếu phẩm, lương thực và 1 tàu chở dầu, hàng hóa hỗ trợ ngư dân trên biển. Trung tâm cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm và sửa chữa tàu miễn phí cho ngư dân. Riêng dầu chỉ bán với giá như trong đất liền. Năm 2017, Trung tâm Dịch vụ nghề cá đảo Đá Tây đã cung cấp cho ngư dân 22 tấn lương thực, thực phẩm, gần 1.800 m3 nước ngọt, 275.000 lít dầu, 25.205 cây đá, sửa chữa 26 tàu, cứu hộ nhiều trường hợp ngư dân gặp nạn trên biển... Tháng 10.2017, trung tâm bắt đầu triển khai việc thu mua cá, mực cho ngư dân, đồng thời xây dựng thêm kho lạnh tích trữ được trên 800 cây đá/ngày và một kho đông có thể thu mua 5 tấn cá/ngày. Đó là cơ sở để trung tâm triển khai dịch vụ cho ngư dân thuê kho tích trữ thủy sản trong những chuyến đi biển dài ngày. Trong tương lai, đây sẽ là trung tâm dịch vụ phát triển năng động tại quần đảo Trường Sa, tạo động lực để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Ông Đoàn Văn Tâm (quê Bình Định), chủ một tàu đang khai thác cá ở vùng biển Trường Sa cho biết: “Giờ thì chúng tôi đã yên tâm vì có các anh ở Trung tâm Dịch vụ nghề cá. Cần gì chỉ nhấc máy thông tin liên lạc lên gọi là các anh có mặt tiếp tế ngay. Nếu không có âu tàu và trung tâm này thì chúng tôi vất vả lắm”.
Việc gì khó có bộ đội
Vùng biển Trường Sa sóng dữ, thời tiết khắc nghiệt, tàu thuyền và ngư dân có thể gặp nạn bất cứ lúc nào. Không ít ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản đã gặp những tai nạn rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng may mắn là họ luôn có lực lượng hải quân hoặc bộ đội biên phòng ứng cứu kịp thời. Tháng 10.2017, một ngư dân Vũng Tàu trong lúc đang khai thác cá ở vùng biển Trường Sa không may bị một vật nhọn đâm thấu bụng, mất máu cấp. Nhận được tin báo, chỉ huy đảo Trường Sa đã huy động lực lượng quân nhân, y tế khẩn trương điều tàu ra nơi ngư dân gặp nạn đưa vào cấp cứu kịp thời tại Trung tâm Y tế đảo. “Không kể ngày hay đêm, thời tiết nắng hay mưa, hễ ngư dân gọi là chúng tôi hỗ trợ ngay. Việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm, tình cảm của những người lính đảo chúng tôi”, thượng úy, bác sĩ Trần Đức Linh, phụ trách Trung tâm Y tế đảo Trường Sa nói.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các đảo, điểm đảo tại quần đảo Trường Sa luôn coi trọng công tác dân vận, duy trì tốt mối quan hệ với ngư dân. Coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Năm 2017, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông đã cấp cứu kịp thời cho 2 ngư dân ở Bình Thuận gặp tai nạn trên biển, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 157 lượt ngư dân, cấp 4.250 lít nước ngọt, phát 66 tờ tuyên truyền những điều cần biết khi đi biển... Cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây chủ động phối hợp với các lực lượng cứu hộ 1 tàu gặp nạn, chuyển 2 ngư dân đi cấp cứu kịp thời tại đảo Trường Sa, hướng dẫn 26 tàu vào khu vực tránh trú bão an toàn. Trên đảo chìm mọi thứ thiếu thốn, khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây vẫn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, cấp 35 thùng mỳ tôm, 5 kg ruốc bông và nước uống cho bà con ngư dân trong những ngày gặp bão…
Ngư dân Nguyễn Quốc Thanh, chủ tàu cá ở Bình Định cho biết: “Các anh bộ đội ngoài này coi chúng tôi như là người thân trong gia đình. Bình thường các anh ấy cũng liên hệ qua bộ thu phát thông tin để hỏi thăm ngư dân xem tình hình đánh bắt cá ra sao. Nếu có mưa bão các anh lại gọi nhắc nhở, hướng dẫn di chuyển tránh trú kịp thời. Mưu sinh ở nơi sóng to, gió lớn như thế này mà luôn có các anh bên cạnh, chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều”.
TIẾN MẠNH