Nhìn nhận, đánh giá một số nét khái quát về chế độ học tập, thi cử thời phong kiến sẽ có ích cho ngày nay khi đất nước đang loay hoay tìm cách đổi mới giáo dục và đào tạo.
Ngày 23.11 là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Nghĩ về các di sản văn hóa phong phú do cha ông ta để lại, tôi nhớ đến một dấu mốc đáng chú ý, năm nay là tròn 100 năm kết thúc khoa thi cuối cùng thời phong kiến - khoa thi năm 1919 (năm Khải Định thứ 4, triều Nguyễn).
Nhìn nhận, đánh giá một số nét khái quát về chế độ học tập, thi cử thời phong kiến sẽ có ích cho ngày nay khi đất nước đang loay hoay tìm cách đổi mới giáo dục và đào tạo.
Khoa thi đầu tiên thời phong kiến được tổ chức năm 1075 (thời Lý). Thời Lý, chế độ học tập, thi cử còn sơ khai, nhưng hoàn thiện dần vào những triều đại sau đó.
Theo văn bia tại Văn miếu Mao Điền, từ năm 1075-1919, cả nước đã có gần 2.900 tiến sĩ và học vị tương đương (con số này còn thấp so với thực tế song số còn thiếu cũng không nhiều), riêng Hải Dương đã biết 644 người trúng tuyển, chiếm 22,2% cả nước.
Đó là con số của Hải Dương thời phong kiến, còn nếu tính trên địa giới hành chính ngày nay, Hải Dương cũng có 491 tiến sĩ thời phong kiến. Tỉnh ta nổi danh là một vùng đất giàu truyền thống hiếu học.
Từ di sản giáo dục thời phong kiến, chúng ta thấy nhiều "hạt ngọc" quý cần tiếp tục duy trì, phát triển. "Hạt ngọc" vô giá đầu tiên là tinh thần ham học, coi trọng tri thức, đề cao người học và người dạy.
Các sĩ tử được tạo điều kiện thuận lợi để chuyên tâm dành một số năm trong cuộc đời cho việc học hành, thi cử. Những người đỗ đạt được cả làng coi trọng, làm cỗ bàn linh đình để khao vọng, vinh danh.
Giáo dục thời phong kiến chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lễ nghĩa cho người học. Vì người học để đi thi với mong muốn đỗ đạt làm quan nên giáo dục đạo đức cho người học cũng là giáo dục đạo đức cho những người làm quan sau này.
Có 3 chế độ tuyển chọn quan lại thời phong kiến là thế tập (cha truyền con nối), tiến cử (quan lại tiến cử người có đức, tài cho triều đình) và thi cử. Con đường thi cử được duy trì phổ biến qua nhiều triều đại, cách tổ chức rất nghiêm minh, góp phần tuyển chọn được nhiều người tài giỏi, đức độ cho quốc gia.
Những người trúng tuyển được trọng dụng làm quan ở nhiều cấp độ khác nhau, phân công công việc phù hợp với trình độ, phẩm chất. Đây là một truyền thống giáo dục quý báu, cần được "khơi trong", phát huy trong việc tuyển chọn cán bộ trong bối cảnh ngày nay.
Tuy nhiên, nền giáo dục phong kiến cũng còn không ít hạn chế, lạc hậu. Nội dung dạy và học bó hẹp trong phạm vi Nho học, đặt nặng kiến thức về đạo đức, lễ nghĩa, văn hóa, văn học, văn bản hành chính.
Nó thiếu hẳn nhiều mảng kiến thức phong phú, đa dạng của cuộc sống. Học trò không được dạy các môn như toán học, vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật... như ngày nay.
Lối học, chế độ thi cử ngày xưa với nhiều quy định cứng nhắc buộc học trò phải học thuộc lòng, học vẹt, học theo sách kinh điển, văn mẫu. Cách học này triệt tiêu tư duy sáng tạo, tư duy phản biện của cả người dạy và người học.
Trong chương "Chế độ học tập ngày xưa" (sách "Bản sắc văn hóa Việt Nam"), nhà nghiên cứu Phan Ngọc nhận xét: "Lối học ngày xưa lấy sách quyết định tất cả, thầy dốt vẫn có thể có học trò rất giỏi. Nói chung, nó làm đầu óc đần độn đi, mất hẳn óc suy nghĩ độc lập, gặp bất cứ cái gì cũng không thể có ý kiến riêng, chỉ có thể vin vào một trường hợp có sẵn và nói theo các cụ Tống Nho".
Ngoài ra, đối tượng người học chủ yếu là con gia đình có điều kiện, con các quan lại. Những gia đình nghèo khó thường không được đi học.
Ngày nay, lối học vẹt, học thuộc lòng, học theo văn mẫu, không coi trọng ý kiến độc lập, sáng tạo của học trò vẫn là "căn bệnh" nhức nhối của ngành giáo dục.
Tư tưởng học để làm quan từ thời phong kiến cũng còn nặng nề trong nhiều gia đình hiện đại. Họ nhất quyết muốn con học để làm cán bộ, trong khi xã hội hiện đại có rất nhiều ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và mang đến thành công cho người học. Đây là những hạn chế lớn cản trở quá trình đổi mới giáo dục nước nhà, cần tiếp tục phải "gạn đục".
NINH TUÂN