Quốc phòng

Đường Hồ Chí Minh trên biển: Bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam

TB (theo TTXVN) 23/10/2024 14:28

Không chỉ là tuyến đường chiến lược vận chuyển vũ khí, hàng hóa, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn là biểu tượng của tinh thần kiên cường, sáng tạo của quân và dân ta trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

duong-ho-chi-minh-tren-bien-2.jpg
Khi tuyến đường vận tải biển được khai thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương khen ngợi, đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ Đoàn 759 nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 Hải quân (1960)

Ngày 23/10/1961, Đoàn vận tải quân sự 759 được thành lập, mở ra một phương thức vận tải mới trong việc chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song tuyến đường này đã hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Không chỉ là tuyến đường chiến lược phục vụ việc vận chuyển vũ khí và hàng hóa, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn là biểu tượng của tinh thần kiên cường, sáng tạo và quyết tâm của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thành lập Đoàn 759 - tầm nhìn chiến lược của Đảng ta

Sau Hiệp định Geneva năm 1954, các thế lực hiếu chiến Mỹ và tay sai đã ngang nhiên phá bỏ hiệp định, chia cắt đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) đã xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là sử dụng “con đường cách mạng bạo lực” để giải phóng miền Nam.

duong-ho-chi-minh-tren-bien-1.jpg
Tập thể cán bộ, chiến sỹ tàu VT 41 trước giờ xuất phát tại bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng) chở gần 30 tấn vũ khí đầu tiên vào Cà Mau thành công (1962) - chuyến đi đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển

Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, tháng 5/1959, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam, mở ra chiến lược chi viện toàn diện cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Để thực hiện chủ trương này, ngày 19/5/1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt (tiền thân của Đoàn 559) được thành lập, chịu trách nhiệm mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn nhằm chi viện vũ khí, trang bị và lực lượng cho chiến trường miền Nam.

Tuy nhiên, vận tải qua đường bộ gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở và sự giám sát chặt chẽ của địch. Do đó, Trung ương nhận thấy cần phải mở một tuyến vận tải bằng đường biển để tăng cường chi viện cho miền Nam một cách hiệu quả hơn.

Tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu phương thức vận chuyển vũ khí bằng đường biển.

Để giữ bí mật, tiểu đoàn này lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh,” với các phương tiện ban đầu gồm 4 chiếc thuyền gỗ trọng tải từ 15 đến 20 tấn, cải trang thành thuyền đánh cá miền Nam.

Đến cuối năm 1959, công tác chuẩn bị cho các chuyến vận tải bằng đường biển đã cơ bản hoàn thành.

Đầu năm 1960, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến vượt biển đầu tiên với nhiệm vụ chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu V.

Tuy nhiên, chuyến đi này không thành công khi đoàn thuyền bị địch phát hiện. 6 thủy thủ trên tàu bị bắt, trong đó 5 người đã hy sinh, chỉ duy nhất đồng chí Huỳnh Ba sống sót và được trao trả vào năm 1974. Quân ủy Trung ương quyết định tạm ngừng hoạt động của Tiểu đoàn 603 để nghiên cứu thêm.

Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp.

Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới; Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5.

duong-ho-chi-minh-tren-bien.jpg
Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”, những con tàu “Không số” của Hải quân nhân dân Việt Nam đã xuyên qua bão dông, vượt qua bao cuộc vây ráp của kẻ thù, chuyên chở hàng vạn tấn vũ khí, trang thiết bị và hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường lớn miền Nam, tạo nên huyền thoại “đường mòn Hồ Chí Minh” trên Biển Đông

Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cách mạng miền Nam.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng tư lệnh chính thức ra quyết định số 97/QP, thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, do đồng chí Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng.

Đoàn 759 có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, tổ chức vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển, một trong những tuyến vận tải chiến lược mang tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 23/10 hằng năm sau đó trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759, sau này là Lữ đoàn 125 Hải quân, và cũng là ngày kỷ niệm sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Sự ra đời của Đoàn 759 đã thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh.

Không chỉ là tuyến đường chiến lược phục vụ việc vận chuyển vũ khí và hàng hóa, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn là biểu tượng của tinh thần kiên cường, sáng tạo và quyết tâm của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đường Hồ Chí Minh trên biển - tuyến đường chiến lược góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc

Sự kiện ra đời Đoàn 759 vào ngày 23/10/1961 đã mở ra một giai đoạn mới trong việc vận tải và chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc ta.

Năm 1960, phong trào Đồng Khởi thắng lợi, cách mạng miền Nam chuyển biến mạnh mẽ, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta.

Để cứu vãn tình thế và chiếm lại những địa bàn, vùng dân cư đã mất, đầu năm 1962, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nhằm càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược trên quy mô lớn, đưa hàng triệu nông dân miền Nam vào trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân; tăng cường bắn pháo, ném bom, rải chất độc hoá học.

Trước tình hình đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam chỉ rõ: “… Tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, nhất là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tập trung của miền, quân khu…”

duong-ho-chi-minh-tren-bien-3.jpg
Tàu HQ-671 (còn được biết đến với phiên hiệu C41) là con tàu “Không số” duy nhất còn lại trong số những con tàu làm nên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong kháng chiến chống Mỹ tàu mang số hiệu 641

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tháng 4/1962, Đoàn 759 đã tổ chức thành công cho thuyền đi trinh sát, mở đường biển từ Bắc vào Nam.

Đêm 11/10/1962, Đoàn 759 tiếp tục tổ chức một tàu gỗ gắn máy, được hoán cải thành tàu cá không mang số hiệu, chở 30 tấn vũ khí từ bến Đồ Sơn (Hải Phòng) vượt biển vào Nam và cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn vào ngày 19/10/1962.

Sau chuyến đầu tiên thắng lợi, trong năm 1962 và đầu năm 1963, cũng với phương thức vận chuyển bí mật, giả dạng tàu cá của ngư dân, Đoàn 759 đã tổ chức thành công 28 chuyến tàu không số, với hơn 1.300 tấn vũ khí, hàng hóa được đưa tới chiến trường miền Nam, phục vụ đồng bào Nam Bộ kháng chiến.

Tháng 8/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Ngày 29/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125.

Trong 3 năm (1962-1965), Đoàn 125 đã tổ chức 89 chuyến tàu, chi viện cho các tỉnh ven biển thuộc chiến trường Khu 5, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ gần 5.000 tấn hàng hóa, chủ yếu là vũ khí, đạn dược.

Số vũ khí đã đến được với chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Khu V đúng lúc, đáp ứng kịp thời cho chiến trường, trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Khu V nhanh chóng phát triển thế tiến công, giành nhiều thắng lợi oanh liệt như Chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã...; qua đó làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ, ngụy trên chiến trường miền Nam.

Tuy nhiên, sau “sự kiện Vũng Rô” (Phú Yên) tháng 2/1965, tuyến Đường Hồ Chí Minh ven biển bị lộ, địch tăng cường tuần tiễu ngăn chặn, chống xâm nhập, Đoàn 125 phải chuyển hướng hoạt động, vận chuyển theo đường hàng hải quốc tế, bí mật, bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận.

Trong 4 năm (1965-1968), ta tổ chức được 27 chuyến tàu, trong đó có 7 chuyến tới đích, vận chuyển hơn 400 tấn vũ khí vào chiến trường, các chuyến còn lại hoặc phải quay trở lại, hoặc bị địch đánh phá, hoặc buộc phải tự hủy trong những tình huống hiểm nghèo.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tranh thủ lúc địch ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển một khối lượng lớn hàng hóa, vũ khí vào vùng giới tuyến giao cho các địa phương và Đoàn 559 vận chuyển vào chiến trường miền Nam.

Từ cuối năm 1970, sau khi tuyến đường biển vận chuyển qua cảng Sihanoukville (Campuchia) bị địch cắt đứt, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 đã chủ động tìm đường mới, men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, qua vùng biển Đông Bắc Malaysia vào khu vực quần đảo Nam Du để cập bến, giao hàng cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

duong-ho-chi-minh-tren-bien-4.jpg
Cuối năm 1987 đầu năm 1988, cán bộ, chiến sỹ trên các tàu vận tải hải quân đã vượt qua mọi hiểm nguy, sóng gió; khảo sát, thăm dò, vận tải và chốt giữ đảo, cùng các lực lượng trong Quân chủng tăng cường sức mạnh phòng thủ trên các đảo chìm và đảo nổi của quần đảo Trường Sa. Trong ảnh: Kíp chỉ huy tàu Trường Sa 02 vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ khu đảo đá ngầm thuộc khu dầu khí DKI Vũng Tàu

Sau Hiệp định Paris năm 1973, Đoàn 125 phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, địa phương, vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược và hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ vào Nam chiến đấu.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, các đội tàu không số của Đoàn 125 đã thực hiện vận chuyển thành công hơn 8.000 tấn vũ khí hạng nặng, 50 xe tăng, đưa hơn 18.700 cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường chiến đấu.

Như vậy, trong giai đoạn 1961-1975, các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích.

Hàng trăm nghìn tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh; hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Con đường vận tải chi viện chiến lược trên biển đã cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt,” “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: Tổ chức thành công Đường Hồ Chí Minh trên biển, quân và dân ta đã viết nên bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.

Qua đó, để lại nhiều bài học kinh nghiệm có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới.

TB (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Đường Hồ Chí Minh trên biển: Bản hùng ca về ý chí, sức sáng tạo của dân tộc Việt Nam