60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển: Thiên anh hùng ca bất tử

18/10/2021 08:30

Để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, ngày 23.10.1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759.

Đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành một kỳ tích, một huyền thoại, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Sự kiện này đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường vận tải bí mật, bất ngờ, có ưu thế về thời gian, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường miền Nam - sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Bác Hồ; đồng thời là biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: “Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam đã bước vào một giai đoạn mới và ngày càng trở nên gay go, quyết liệt... Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết. Miền Bắc phải thực hiện nhiệm vụ này với tất cả khả năng của mình trên nguyên tắc góp sức đẩy mạnh cách mạng miền Nam nhưng vẫn giữ vững hòa bình ở miền Bắc... Việc chi viện cho miền Nam có tính chất lâu dài và toàn diện”.

Thường trực Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ: Lực lượng chi viện bao gồm con người và phương tiện vật chất. Con người là những cán bộ, nhân viên công tác góp phần xây dựng lực lượng tại chỗ của miền Nam. Phương tiện vật chất, chủ yếu trước hết là vũ khí và khí tài quân sự, thuốc men... giải quyết mức tối thiểu cho cả Liên khu 5 và Nam Bộ. Đường chi viện là đường bộ, đường không và đường thuỷ. Đường thuỷ có nhiều khả năng thực hiện. Vấn đề quan trọng là ta phải nắm được tình hình ở miền Nam...

Thường trực Quân uỷ Trung ương cũng chỉ rõ biện pháp tiến hành trong vận tải đường thuỷ là dùng phương tiện từ miền Bắc chở hàng vào miền Nam hoặc từ miền Nam ra chở hàng đưa vào và có thể dùng biện pháp từ trong miền Nam ra kết hợp từ ngoài miền Bắc đưa hàng vào gặp nhau chuyển hàng giữa đường... Như vậy, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện cách mạng miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, có tính lâu dài.

Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc mở tuyến đường vận tải trên biển đúng thời cơ; quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc; phương pháp vận chuyển “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh thế giới.

Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ, sử dụng tàu giả dạng vận tải, tàu đánh cá; kết hợp hoạt động bí mật và công khai; tàu có thể xuất phát từ nhiều bến đi (kể cả ở nước ngoài) và cập nhiều bến đến; dẫn tàu đi trên nhiều tuyến đường khác nhau, có giai đoạn đi vòng ra biển xa, vùng biển quốc tế; địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài, địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn; địch bám đuôi, ta đi thẳng ra vùng biển quốc tế; khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã khẳng định tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, ý chí và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn dân tộc, chúng ta đã biết dựa vào khả năng to lớn của Nhân dân để vượt qua mọi khó khăn, từng bước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam trong những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất. Nó làm cho đối phương kinh ngạc, bất ngờ và không thể tưởng tượng được về sự có mặt, quy mô, sự dũng cảm và tính sáng tạo vô song của con đường, những con tàu và những con người tham gia tuyến đường.

Năm 1970, Đoàn 125 đã tổ chức 15 chuyến đi, song chỉ có 5 chuyến vào được bến, 9 chuyến gặp địch tuần tra, kiểm soát gắt gao, để giữ bí mật của con đường chiến lược, đành phải quay về, một chuyến buộc phải phá tàu. Trong ảnh: Du kích miền Đông Nam Bộ tiếp nhận và vận chuyển vũ khí do tàu không số chi viện.

Biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân

Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng sức mạnh của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện lấy sức mình là chính. Bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, hành trang-vũ khí sắc bén của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh chính là niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng do Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Được dẫn dắt bởi đường lối kháng chiến đúng đắn, ý chí, nghị lực, quyết tâm trong mỗi con người, mỗi tập thể, mỗi lực lượng, thực sự là thứ vũ khí tinh thần có ý nghĩa quyết định thành bại trên mỗi trận tuyến chống quân thù. Không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì không thể thực hiện được nhiệm vụ gian khó đặt ra.

Do vị trí chiến lược quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để đánh phá, hòng hủy diệt, ngăn chặn, cắt đứt tuyến đường chi viện của ta. Những con đường, bến bãi đều nằm trong các vùng kìm kẹp, lùng sục, truy quét, đánh phá ác liệt suốt đêm ngày của địch.

Trên con đường vận chuyển ấy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” đã xác định quyết tâm, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ-biết rằng ra đi là cảm tử, vẫn chấp nhận gian nguy, đương đầu với khó khăn thử thách. Thời đại Hồ Chí Minh đã tạo ra con người Việt Nam mới và chính con người Việt Nam đã viết nên những trang sử hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh.

Nói tới Đường Hồ Chí Minh trên biển phải nhắc tới các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu Không số luôn luôn trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, luôn nêu cao ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trên những chuyến “tàu không số”, nhiều cán bộ chỉ huy, thuyền trưởng, chính trị viên, thuyền phó đã xử trí tài tình, mưu trí, điều khiển con tàu giữ vững hành trình vào miền Nam và đối phó linh hoạt với các tình huống xảy ra.



Năm 1989, lực lượng tàu vận tải quân sự Hải quân, trong đó có Lữ đoàn 125 đã hoàn thành thắng lợi 8 đợt vận chuyển quân tình nguyện Việt Nam từ Campuchia về nước, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.

Góp phần chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm tốt vai trò tiếp viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp công, góp sức, cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi của Chiến dịch Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong vòng hai tháng, các tàu này đã chuyển vào Nam 111 tấn vũ khí.

Vượt qua những thử thách ác liệt, gian nan, đấu trí, đấu lực căng thẳng với địch và sóng gió biển khơi, các chiến sĩ Hải quân đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc thời kỳ đầu tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam, góp phần rất quan trọng tăng cường nhanh chóng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang giải phóng. Công việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường Nam Bộ tạm ổn, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đã góp phần quan trọng giúp quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát triển lực lượng vũ trang, tạo được thế mới, lực mới, đánh thắng địch nhiều trận, củng cố và mở rộng vùng giải phóng.

Thành công của những chuyến vũ khí đã trực tiếp góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, xây dựng và phát triển khối chủ lực ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ; góp phần làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân dân ta ở Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài…

Có thể thấy, hiệu quả vận chuyển của tuyến chi viện chiến lược biển đã tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên tất cả các vùng chiến lược, các địa bàn chiến lược ở miền Nam. Đặc biệt, sự xuất hiện kịp thời những vũ khí tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã góp phần làm thay đổi cách đánh của quân và dân ta, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch. Bối cảnh bấy giờ, nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”.

Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, Đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng đó là đưa đón hơn 80.000 cán bộ của Đảng, của quân đội, chuyên gia quân sự vào miền Nam; từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Huyền thoại về con đường vận tải biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên với thời gian, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một thiên anh hùng ca bất tử. Trong giai đoạn cách mạng mới, sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc, vừa thuận lợi, vừa có những thách thức mới.

Xu thế toàn cầu hóa đang tác động toàn diện trên bình diện quốc tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khách quan cho mỗi quốc gia. Phát phát huy giá trị của đường Hồ Chí Minh trên biển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn quân, toàn dân sẽ sẽ kế tục, phát huy, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển: Thiên anh hùng ca bất tử