Ngày 24.5, phát biểu tại thảo luận tổ trong chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến phát triển đường thủy, đường biển.
Đại biểu Bùi Văn Cường phát biểu tại thảo luận tổ
Trong lĩnh vực giao thông, cước phí đường thủy thấp nhấp so với các loại hình khác. Nhưng hiện chủ trương đầu tư thời gian qua đang rất lệch, chưa chú trọng đúng mức cho đường thủy. Trong giai đoạn 2011-2020, đầu tư vào lĩnh vực đường bộ chiếm tới 70,08% tỉ trọng nguồn vốn (bao gồm cả nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác), đường sắt chiếm 11,1%, đường hàng không chiếm 10%. Trong khi đó, mức đầu tư cho đường thủy, bao gồm cả hàng hải và đường thủy nội địa chỉ chiếm 7,89%.
Theo đại biểu, nước ta có đường bờ biển dài, nằm trên tuyến hàng hải hết sức quan trọng, sôi động thứ 3 trong lĩnh vực hàng hải thế giới. Nhưng từ suy nghĩ trong đầu tư đến suy nghĩ của các doanh nghiệp khi đặt hàng chuyên chở vận tải và suy nghĩ của người dân khi lựa chọn phương tiện đi lại cũng rất ít người nghĩ đến hàng hải. Sau một số vụ việc xảy ra liên quan đến hàng hải, việc đầu tư cho lĩnh vực hàng hải gần như bị lãng quên.
Kinh phí đầu tư cho lĩnh vực đường thủy có thể thấp hơn so với đầu tư cho đường bộ và rất thuận lợi, chủ yếu đầu tư về bến và phương tiện. Cần quan tâm triển khai đường Hồ Chí Minh trên biển, việc thực hiện đầu tư có hiệu quả, tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về lợi ích sử dụng đường thủy và chính quyền các cấp trong việc đẩy mạnh đầu tư, khai thác hiệu quả từ đường thủy. Thiết kế đội tàu và lực lượng thực hiện nhiệm vụ này cần được quan tâm đầu tư để có bước phát triển trong lĩnh vực này, quan tâm hơn đến vận tải biển. Nếu mỗi một tỉnh có một cầu cảng thì có thể kết nối đồng bộ, giảm áp lực cho đường bộ.
Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu cho rằng các chính sách này đã được thiết kế bao gồm cả chính sách chung của nhiều địa phương và những chính sách đặc thù riêng có của tỉnh Khánh Hòa. Khánh Hòa là một tỉnh có vị trí địa lý rất thuận lợi trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển. Đây là khu vực có cảng nước sâu và nằm trên tuyến hàng hải quan trọng. Do đó, cần quan tâm thu hút đầu tư, khai thác được những tiềm năng này liên quan đến dịch vụ nghề cá, hàng hải, logistics, cảng biển, sửa chữa tàu biển, đóng tàu, cung cấp nhu yếu phẩm cho các đội tàu...
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên thảo luận hội trường chiều 25.5
Phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 25.5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ sự nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật hiện hành để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về chính sách phát triển nền công nghiệp điện ảnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với cơ chế Nhà nước đầu tư trường quay hiện đại, nhưng Chính phủ cần quy định chi tiết việc sử dụng, khai thác trường quay hiện đại được đầu tư bằng ngân sách, tránh việc trường quay được xây dựng nhưng chỉ sử dụng vào mục đích khai thác dịch vụ du lịch, tham quan giải trí, không đúng với chủ trương phát triển điện ảnh...PHẠM TUYẾT