Việc một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch, móc nối với một số cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan chức năng để kiếm tiền trên lưng người lao động là hành vi đáng lên án.
Mặc dù bị thu hồi chỉ sau 2 ngày ban hành nhưng bản "Công bố 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19" đính kèm Công văn số 5944/BYT-YDCT ngày 24.7.2021 của Bộ Y tế đã đặt ra những câu hỏi về lương tâm, đạo đức trong kinh doanh khi đất nước lâm vào thiên tai, địch họa.
Danh sách 12 sản phẩm Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng tâm bổ phế (đều của Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an); Viên nang Kovir (Công ty CP Sao Thái Dương); Siro Ngân kiều, Vệ khí khang (đều của Viện Y học cổ truyền, Bộ Quốc phòng); Hạnh tô (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương); Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất); Imboot; Xuyên tâm liên và Nasagast-KG.
Mặc dù chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào về việc những sản phẩm này có chữa được Covid-19 hay không nhưng ngay sau khi danh sách được Bộ Y tế công bố, người dân đã đổ xô săn lùng khiến giá bán mỗi sản phẩm tăng từ 2 - 3 lần. Cá biệt, sản phẩm viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương tăng tới 4 lần, từ 250 nghìn đồng lên 1 triệu đồng/hộp nhưng vẫn không có để mua. Đặc biệt, có sản phẩm không liên quan gì đến điều trị Covid-19 như Hoạt huyết Nhất Nhất cũng được đưa vào danh sách. Thậm chí có sản phẩm còn chưa được phê duyệt như viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương. Trong bối cảnh kinh tế của nhiều gia đình khó khăn vì dịch, việc chi ra một số tiền lớn để mua những sản phẩm không biết có tác dụng hay không càng khiến người dân kiệt quệ thêm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, số người tử vong vì Covid-19 ngày càng tăng, ngoài việc trông chờ vào vaccine thì việc lựa chọn các loại thuốc và thực phẩm chức năng có tác dụng cải thiện sức khỏe để phòng chống Covid-19 cũng là ưu tiên của nhiều người. Và chính sự "bảo đảm" của Bộ Y tế cùng khuyến cáo các địa phương tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận 12 sản phẩm này từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ điều trị cho những người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 khiến người dân hoàn toàn tin tưởng tìm mua, sử dụng.
Gần 2 năm qua, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong phòng chống dịch vẫn còn đó những hành vi lợi dụng dịch để trục lợi. Bên cạnh những đóng góp to lớn, vô tư của nhiều tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch thì vẫn còn những doanh nghiệp, cá nhân làm giàu trên sự đau khổ của đồng bào mình. Có thời gian, người tiêu dùng phải mua khẩu trang, nước sát khuẩn với giá cắt cổ. Một số sản phẩm thiết yếu như thịt, trứng, rau xanh... cũng bị thổi giá để móc túi người tiêu dùng. Việc tăng giá do khan hiếm hàng hóa trong những thời điểm cụ thể có thể thông cảm được. Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch, móc nối với một số cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan chức năng để kiếm tiền trên lưng người lao động là hành vi đáng lên án. Như chúng ta đã thấy, chỉ cần một văn bản của Bộ Y tế, một số doanh nghiệp đã có thể công khai kiếm tiền trên sự lo lắng của người tiêu dùng trước sự đe dọa của đại dịch. Nguy hiểm hơn, vì tin tưởng vào Bộ Y tế, người dân sẽ chủ quan trong sử dụng thuốc dẫn đến nguy cơ mất tiền oan, thậm chí rước họa vào thân khi không phòng chống dịch đúng cách.
Mặc dù đã được thu hồi nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi nếu không bị phát hiện thì người tiêu dùng sẽ còn bị móc túi đến bao giờ và khoản lợi nhuận khổng lồ đó sẽ rơi vào túi ai? Ai chịu trách nhiệm trong việc ban hành văn bản trái với lợi ích của cộng đồng? Và liệu còn những trường hợp nào lợi dụng cơ chế, chính sách vẫn đang trục lợi trên sức khỏe, tính mạng của người dân nhưng chưa được điều chỉnh? Điều quan trọng hơn là làm thế nào để doanh nghiệp, cá nhân không vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, không trục lợi trên sự đau khổ của đồng bào mình.
VỊ THỦY