Gần đây, một việc được dư luận khá quan tâm, lo lắng, đó là kẻ xấu mạo danh gọi điện thông báo con đang cấp cứu ở bệnh viện với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đầu tháng 3 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo tổng số tiền 825 triệu đồng. Tại Hà Nội, cơ quan công an cũng cho biết có 2 phụ huynh đến trình báo về việc bị lừa 240 triệu đồng cũng với thủ đoạn này...
Tại sao lại có không ít người tin và sẵn sàng chuyển một khoản tiền không nhỏ cho các đối tượng lừa đảo như vậy? Lý do bởi chúng đã biết đánh vào tâm lý lo lắng của bậc phụ huynh đối với con em mình. Nhiều trường hợp mạo danh những người rất có uy tín trong xã hội như giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện. Phụ huynh vì lo lắng cho con thành cả tin, nghe theo mà không tỉnh táo để kiểm chứng lại thông tin.
Phụ huynh cần tỉnh táo, kiểm chứng lại thông tin trước các cuộc gọi lạ. Ảnh minh họa
Tại Hải Dương, cũng có không ít vụ việc tương tự. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện lừa đảo của đối tượng Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1990, ở thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu, Kim Thành). Quỳnh không có nghề nghiệp ổn định, thường xuyên buôn bán cua đồng trên mạng. Vào năm 2022, chỉ với uy tín gây dựng được qua việc buôn bán qua mạng, Quỳnh đã dụ dỗ khiến bạn hàng tin tưởng thông qua các chiêu trò như bán cua đồng, cua biển, cam, trứng gà... Quỳnh đã thực hiện trót lọt 8 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tổng số gần 488 triệu đồng của người dân.
Cũng trong năm 2022, đối tượng Ngô Văn Phương (ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) đã dùng thủ đoạn lừa bán hàng qua mạng để chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Đáng nói là dù không quen biết, lại là người tỉnh ngoài, nhưng khi Phương gọi điện giới thiệu và chào hàng là bán dầu ăn qua mạng thì đã có tới 2 người ở Hải Dương (1 người ở huyện Kim Thành và 1 người ở TP Hải Dương) tin tưởng, nghe theo và chuyển cho y tổng số tiền gần 370 triệu đồng.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, kéo theo đó cũng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng. Theo phân tích của cơ quan chức năng, các đối tượng thường tập trung vào những hình thức như giả mạo cơ quan chức năng, người có thẩm quyền, nhiệm vụ để lừa đảo xử phạt vi phạm giao thông, chi tiền cấp cứu, bán hàng qua mạng, trúng thưởng, khuyến mại, lấy thông tin tài khoản mạng xã hội... Không ít người dân, đặc biệt là những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin về những chiêu thức lừa đảo của đối tượng xấu đã bị lợi dụng, chiếm đoạt tài sản, thậm chí với số tiền lớn như những vụ việc kể trên.
Để hạn chế những vụ việc đáng tiếc này, ngoài việc cơ quan chức năng tăng cường cảnh báo thì bản thân mỗi người dân cũng phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Đặc biệt, khi nhận những thông tin liên quan đến cá nhân và người thân từ những cuộc gọi của các đối tượng lạ hoặc có dấu hiệu nghi ngờ cần kiểm chứng rõ ràng. Có thể nhờ người quen, người hiểu biết về thông tin trên mạng kiểm chứng thêm để tăng độ tin cậy. Nếu mua bán, giao dịch với số lượng lớn qua mạng cần tìm những địa chỉ uy tín, có bảo lãnh để tránh bị lừa đảo. Mọi thông tin qua mạng nếu thấy có dấu hiệu bất thường người dân cần cảnh giác, báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, xử lý trong trường hợp có vi phạm.
NGỌC TUYỂN