Vừa qua, câu chuyện của em Bùi Thị Hà, tốt nghiệp thủ khoa Khoa Sư phạm ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) ra trường hơn 1 năm nhưng chưa tìm được việc làm đã gây xôn xao dư luận.
Tháng 8.2016, Hà (quê ở tỉnh Hà Giang) là 1 trong 100 thủ khoa xuất sắc, tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội đã được TP Hà Nội tuyên dương tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Trong thời gian chờ việc, em phải phụ mẹ nuôi lợn, trồng rau, bán hàng.
Câu chuyện buồn này được cơ quan báo chí đăng tải trong dịp ngành giáo dục và đào tạo kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2.10 và Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời 2-8.10 làm nhiều người phải suy nghĩ. Biết bao thắc mắc đặt ra: Vì sao lại có chuyện này? Lỗi do ai? Làm gì để không xảy ra những chuyện tương tự trong tương lai?... Nó phản ánh một thực tế là dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm, luôn khuyến khích tuyển dụng, sử dụng người tài song quá trình thực hiện ở nhiều nơi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Hiện nay, việc thu hút người tài, nhất là thu hút người tài vào làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước còn nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này. Ở không ít nơi, để được tuyển dụng vào biên chế, phải có tiền lót tay, có quan hệ thân cận, quen biết. Còn yếu tố trí tuệ không được coi trọng. Thế nên, những người tài không thể cạnh tranh được so với những người có tiền, có quan hệ, là “con ông cháu cha”. Trong việc sử dụng, đánh giá cán bộ còn xảy ra tình trạng ưu ái cá nhân, lợi ích nhóm… nên người tài không được trọng dụng. Đó là chưa kể còn có việc một số cơ quan, đơn vị, địa phương chậm cụ thể hóa chính sách thu hút, đãi ngộ người tài của Đảng, Nhà nước, hoặc có cụ thể hóa nhưng không có những việc làm để hiện thực hóa chủ trương, chính sách.
Nhiều người tài không thiết tha vào làm việc tại khu vực công, chọn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để công tác, hàng trăm nghìn sinh viên thất nghiệp gây ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này ảnh hưởng xấu tới động cơ phấn đấu học tập của các học sinh, sinh viên trong nhà trường. Nhiều người tài không được trọng dụng sẽ làm cho đất nước chậm phát triển. Đây là cản trở lớn trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức của đất nước hiện nay.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Do đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần ban hành và thực hiện tốt những cơ chế, chính sách hợp lý để tuyển dụng người tài; đãi ngộ họ bằng các hình thức đa dạng như trả thu nhập xứng đáng, hỗ trợ nhà ở, trang thiết bị làm việc… Tích cực áp dụng hình thức tuyển dụng đặc cách viên chức theo điều 14, Nghị định 29/2012/NĐ-CP và các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng đối với công chức theo điều 19, Nghị định 24/2010/NĐ-CP. Cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chí cụ thể để xác định người tài năng trong từng lĩnh vực, làm cơ sở để tuyển dụng, đãi ngộ; tăng cường áp dụng hình thức thi tuyển theo hướng minh bạch, khách quan. Mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần tạo ra môi trường công tác thuận lợi để người tài phát huy năng lực, đóng góp nhiều hơn cho xã hội; kiên quyết loại khỏi bộ máy những người yếu kém để có chỗ cho người tài làm việc, cống hiến.
NINH TUÂN