Nền văn hóa của chúng ta đang ở đâu? Sức mạnh văn hóa dân tộc có tạo nên thế đứng độc lập, tự cường và tự chủ của đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở".
Người nhấn mạnh: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ".
Tròn 75 năm đã trôi qua kể từ ngày đó, nền văn hóa của chúng ta đang ở đâu? Sức mạnh văn hóa dân tộc có tạo nên thế đứng độc lập, tự cường và tự chủ của đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Chúng ta hay đề cập một nền kinh tế độc lập, tự cường và tự chủ, nhưng ít nhấn mạnh điều này với văn hóa.
Các cơ quan, tổ chức trực thuộc Chính phủ và phi chính phủ giữ vai trò định hướng, đoàn kết tập hợp các cá nhân, tổ chức trong ngành công nghiệp văn hóa cùng phát triển theo một mục tiêu, một tầm nhìn, một chiến lược quốc gia là cầu nối giữa Chính phủ, các quỹ đầu tư với các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, để một mặt khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển đa dạng và năng động của doanh nghiệp công nghiệp văn hóa, đầu tư cho những sản phẩm, dự án quốc gia; mặt khác, nghiên cứu, phân tích xu hướng, nhu cầu phát triển của ngành để đề xuất, xây dựng các chính sách pháp luật, cơ chế tài chính đáp ứng được các yêu cầu tăng trưởng của thị trường công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế; khởi xướng các dự án quy mô lớn mang tầm vóc quốc gia.
Doanh nghiệp là chủ thể của công nghiệp văn hóa.
Tất cả các quốc gia lấy công nghiệp văn hóa làm trọng tâm phát triển đều bắt đầu bằng cơ chế khuyến khích, tạo động lực và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh, đồng thời ban hành những chính sách thu hút các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư vào công nghiệp văn hóa, để tạo nên những chiến hạm tiên phong, những tập đoàn công nghiệp văn hóa có tầm hoạt động toàn cầu làm đầu tàu dẫn dắt cả cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng ta cũng cần quyết liệt xóa bỏ bao cấp, cơ chế "xin - cho" trong các ngành văn hóa nghệ thuật, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng để các chủ thể có năng lực phát huy hết tiềm năng và nội lực sáng tạo của mình.
Cơ chế "xin - cho" và các dự án văn hóa nghệ thuật sử dụng ngân sách nhà nước không qua đấu thầu công bằng, bỏ qua các tiêu chuẩn phù hợp với thời đại và các quy luật của thị trường sẽ tạo nên những nghệ sĩ bảo thủ, lệ thuộc.
Trong một thế giới phẳng nơi viễn thông đã xóa tan những biên giới văn hóa, thông tin, truyền thông, hơn bao giờ hết, những chính sách bảo vệ sản phẩm văn hóa nội địa trước sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa ngoại lai càng trở nên cần thiết.
Du lịch văn hóa đã và đang là ngành công nghiệp văn hóa đóng góp lớn nhất vào GDP quốc gia. Song du lịch văn hóa cũng là nơi mà những bất cập về bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Chính phủ và các bộ, ngành có thể nghiên cứu các cơ chế, chính sách vừa tạo không gian phát triển thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm các yêu cầu phát triển bền vững cũng như gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống...
Tự thân nền văn hóa bản địa Việt Nam đã là những chất liệu vô giá, là thế mạnh để nền công nghiệp văn hóa quốc gia phát triển.
Trên thế giới, những sáng tạo văn hóa dựa trên văn hóa bản địa không chỉ đem lại hàng tỷ USD doanh thu mà còn là nhân tố chủ lực tạo nên "sức mạnh mềm", tức là tầm ảnh hưởng của một quốc gia lên các quốc gia trong và ngoài lục địa.
Khi nhìn nhận "Thế kỷ 21, công nghiệp văn hóa sẽ là thứ tối thượng quyết định thành bại của mỗi quốc gia", bậc thầy quản trị Peter Drucker đã nhấn mạnh: "Đây là trận chiến cuối cùng". Câu hỏi trong trận chiến cuối cùng này, Việt Nam đã chuẩn bị để đứng ở đâu cần phải là câu hỏi của mỗi người trong gần trăm triệu người dân Việt Nam.
Nếu mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp mang đến câu trả lời là nỗ lực của chính mình - chắc chắn chúng ta sẽ có một nền công nghiệp văn hóa độc lập, tự chủ và giàu có, theo đúng tinh thần Nghị quyết 33, hướng đến năm 2045 - năm Việt Nam 100 năm từ độc lập đi đến vinh quang, tự chủ, nhân dân giàu có, đất nước hùng cường.
Theo Tuổi trẻ