Chị Liên và anh Mạnh là đôi bạn thanh mai trúc mã. Lớn lên bên nhau từ nhỏ, yêu và xây dựng gia đình trong sự chúc phúc của tất cả mọi người.
Anh chị hiểu rõ về nhau từ gia cảnh đến tính nết, tưởng như tình yêu của họ sẽ luôn bền chặt và êm đềm. Vậy mà, sóng gió đã xảy ra và hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ.
Chuyện là sau khi xây dựng gia đình, anh Mạnh càng ngày càng trở nên phong độ, lịch lãm. Do tính chất công việc, anh rất quảng giao và thường xuyên công tác xa nhà. Trong khi chị Liên đã nghỉ việc chăm sóc gia đình từ khi sinh con. Quanh quẩn với việc con cái, nội trợ, thêm bản tính đơn giản, xuề xòa nên nhìn chị có vẻ già hơn chồng và hơi luộm thuộm. Anh Mạnh đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chị Liên cho rằng ở nhà thì không cần phải trau chuốt làm gì. Chị hỏi anh có phải đã có con “mắt xanh mỏ đỏ” nào bên ngoài không mà về nhà chê bai vợ? Thêm chuyện nhiều lần nghe người này, người kia nói ra, nói vào bảo anh chị đi bên nhau không ai nghĩ là vợ chồng, họ tưởng là chị em hay cô cháu khiến chị càng thêm khó chịu. Thấy nhiều người đàn ông ra ngoài bồ bịch, trai gái bên ngoài, chị lại nảy sinh suy nghĩ, chắc chắn anh đã có “phòng nhì”.
Rồi chị tìm cách kiểm soát anh, từ giờ giấc đến điện thoại, nói xa xôi, ghen bóng gió rồi đến đá thúng, đụng nia khiến không khí gia đình vô cùng ngột ngạt. Dần dà, sự ghen tuông của chị ngày càng lớn, nó như một căn bệnh khó chữa. Lúc đầu, anh Mạnh còn thấy vui vui vì nghĩ vợ quá yêu mình nên mới ghen, nhưng sau đó anh thấy khó chịu và rồi anh sợ. Anh đã góp ý với chị nhiều lần, nhưng chị luôn bỏ ngoài tai tất cả. Chị luôn cho rằng chị đã lao tâm, khổ tứ, vất vả, xấu xí vì chồng, vì con mà chồng lại “rửng mỡ”, thích gái đẹp bên ngoài. Đỉnh điểm, vào một buổi sáng, anh Mạnh đang đi cùng một đối tác là nữ, chị đã xông tới tát tới tấp vào mặt người ta và lu loa rằng bắt được tiểu tam làm anh bẽ mặt. Sau sự việc ấy, anh bị công ty đối tác hủy hợp đồng, lại bị cấp trên khiển trách. Anh giận vợ, xách quần áo đến công ty ở. Mặc dù sau đấy chị Liên đã nhận sai, đã nhắn tin, gọi điện nhiều lần xin lỗi, nhờ cả bố mẹ hai bên gia đình hòa giải giúp nhưng anh Mạnh vẫn chưa chịu về nhà.
Hôm vừa rồi về thăm quê, gặp lại chị Liên, tôi giật mình khi thấy chị càng thêm già nua, mệt mỏi. Tâm sự cùng nhau, tôi thấy vừa thương, vừa giận chị. Tôi phân tích cho chị hiểu rằng, ghen không đúng cách sẽ dẫn đến việc vợ chồng làm tổn thương nhau và có thể dẫn đến phá vỡ hạnh phúc gia đình. Tình yêu nếu thiếu đi chút hờn ghen, giận dỗi cũng giống cái nhạt của món ăn thiếu gia vị. Nhưng ghen cũng cần phải văn minh, phải có nghệ thuật. Chị Liên cười buồn và nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Tôi liền nói với chị: "Chị yêu chồng mình nhưng chị đã thực sự hiểu anh ấy chưa? Đàn ông họ rất trọng danh dự. Nếu chị khiến anh ấy hiểu rằng anh ấy luôn được tôn trọng thì dù anh ấy có lạc đường cũng nhất định biết cách trở về với gia đình".
Rồi tôi phân tích để chị hiểu rằng điều kiện cần và đủ để nuôi dưỡng và gìn giữ tình yêu, không chỉ cần dành cho nhau một tình yêu thực sự, mà cần biết nhường nhịn và hiểu nhau. Khi thấy chồng mình có vấn đề, cũng đừng nên nóng nảy, đừng hành động bộp chộp. Mà phải bình tĩnh suy nghĩ tìm hiểu nguyên nhân, sau đó tháo gỡ. Các cụ đã nói “lạt mềm buộc chặt” là có cơ sở. Hãy lắng nghe, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ.
- Theo em, chị phải làm gì bây giờ? Chị thật hết cách rồi. Không khéo anh ấy bỏ chị mất - chị Liên buồn bã nói.
- Chị ạ, phụ nữ bây giờ chỉ đánh phấn chứ không đánh ghen. Các con đã lớn rồi, chị đừng quanh quẩn trong bốn bức tường, vùi đầu vào bếp núc nữa, hãy chăm sóc bản thân mình. Chị hãy đi làm trở lại nếu có thể. Chị hãy tự làm mới mình, thay đổi cả hình thức lẫn suy nghĩ để anh ấy thấy cần thiết phải giữ chị chứ không phải chị chạy theo và níu giữ anh ấy.
Nghe tôi nói, chị Liên như đã hiểu ra mọi chuyện. Chị bảo:
- Đúng là chị dại thật em ạ! Cứ nghĩ là mình luôn đúng nên làm quá lên. Tưởng là yêu chồng, giữ chồng, ai dè làm mất mặt chồng, đẩy anh ấy ra xa mình. Đúng là ghen cũng phải đúng cách chứ cứ như chị “nêm gia vị quá tay” thành ra…
Thật mừng vì cuối cùng chị cũng hiểu ra trước khi quá muộn.
TRẦN THÙY LINH