Những thói quen không lành mạnh trong giao tiếp như đảo mắt, cắm mặt vào điện thoại, ngắt lời đối phương… có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa các cặp đôi.
Giao tiếp là một trong những chìa khóa quan trọng giúp duy trì trạng thái hạnh phúc của một mối quan hệ. Nhưng nếu không biết cách, sự thiếu tinh tế trong giao tiếp sẽ tạo ra rào cản giữa bạn và nửa kia, dẫn đến những tranh cãi không cần thiết. Làm sao để biết mối quan hệ của bạn có đang gặp phải những vấn đề về giao tiếp? Tham khảo ngay những dấu hiệu dưới đây.
1. Luôn có một người chiến thắng
Nếu "chiến thắng" là mục đích cao cả trong hầu hết những cuộc tranh cãi giữa hai bạn, thì đó là dấu hiệu của vấn đề giao tiếp. Bạn và người ấy không ngừng bới móc, tìm ra những luận điểm để "đánh bại" đối phương, trở thành người có lý sau mỗi trận cãi nhau. Nếu vậy, có lẽ bạn đã quên mất rằng để có được mối quan hệ lâu dài, cả hai phải tìm được điểm chung, chứ không phải chứng minh bản thân mình luôn đúng.
2. Đổ lỗi cho đối phương
Khi bất kỳ chuyện gì xảy ra, việc đổ lỗi không phải là lựa chọn khôn ngoan để giải quyết vấn đề. Cả hai phải bình tĩnh để cùng ngồi xuống, tìm ra hướng giải quyết, chứ không phải quá tập trung vào nguyên nhân. Dù nhiều người sẽ có thái độ cởi mở với những phản hồi thẳng thắn, nhưng nhìn chung không ai thích bị chỉ trích cả. Hãy học cách thông cảm, để nửa kia cảm thấy được yêu thương và thoải mái hơn trong mối quan hệ.
Thay vì chỉ trích, bạn có thể nhận xét một cách nhẹ nhàng, tích cực. Quan trọng là chọn thời điểm khi cả hai cùng trong trạng thái vui vẻ để đề cập đến những điều không hay đó.
3. Thiếu tinh tế trong giao tiếp cơ thể
Dù không phát ra âm thanh, ngôn ngữ cơ thể đôi khi có "trọng lượng" hơn cả những lời nói thông thường. Những thói quen xấu khi sử dụng ngôn ngữ cơ thể như đảo mắt, nhìn sang chỗ khác hay khoanh tay khi cả hai đang tranh cãi có thể đẩy cuộc trò chuyện đến tình huống xấu hơn.
Chỉ những cử chỉ rất nhỏ cũng có thể khiến đối phương cảm nhận được bạn đang khó chịu, tức giận hoặc không tôn trọng. Có thể bạn không hề cố tình, nhưng hãy cải thiện những thói quen đó càng sớm càng tốt. Trên thực tế, những người có kỹ năng giao tiếp tốt thường có xu hướng tập trung vào người nói, mắt nhìn thẳng, tỏ ra vui vẻ và thân thiện.
4. Thói quen đa nhiệm
Cuộc sống bận rộn khiến bạn phải làm nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên, khi ở cạnh nửa kia, đừng lúc nào cũng cắm mặt vào điện thoại, tỏ ra lơ đãng, phân tán sự tập trung vào những công việc khác. Điều này có thể gây ra hiểu lầm và những tổn thương về mặt tình cảm.
Hay để đối phương hiểu rằng họ quan trọng và bạn sẵn sàng dừng việc đang làm để tập trung vào cuộc nói chuyện giữa hai người. Nếu quá bận rộn, hãy để họ biết. Đừng cố gắng trò chuyện với họ khi bản thân bạn đang còn quá nhiều mối bận tâm khác.
5. Những phản ứng tiêu cực
Công kích bằng lời nói, hoặc chiến tranh lạnh, đều là biểu hiện của những phản ứng tiêu cực trong giao tiếp. Đồng ý rằng khi tức giận, chúng ta thường có xu hướng không kiểm soát được hành vi. Nhiều người sẽ nói những lời rất khó nghe, dù bản thân họ chưa chắc đã nghĩ hoặc cảm thấy như vậy. Sự hung hăng đó không khiến vấn đề được giải quyết mà còn đẩy nó đi xa hơn, tạo điều kiện cho những vấn đề khác nảy sinh.
Nhưng ngược lại, nhiều người cũng có xu hướng sử dụng chiến thuật "im lặng" như một cách để trừng phạt đối phương. Đây cũng là thói quen không tốt, vì nó khiến vấn đề không bao giờ được giải quyết.
Lời khuyên là, nếu cảm thấy không thể bình tĩnh, hãy cho nhau một khoảng không gian và thời gian nghỉ ngơi. Đôi khi chỉ cần 15 phút là đủ, và sau đó, hãy nói những điều nên nói.
6. Ngắt lời
Đây được coi là một trong những thói quen thiếu lịch sự nhất. Nhiều người có thói quen ngay lập tức ngắt lời người khác khi họ cảm thấy thông tin đưa ra không chính xác. Trên thực tế, những người có xu hướng ngắt lời người thường không giỏi kỹ năng nghe. Sự tập trung của họ hướng vào bản thân, xoay quanh những quan điểm của bản thân chứ không phải lắng nghe ý kiến của đối phương
Hãy kiên nhẫn, hay nghe hết những gì mà nửa kia của bạn đang cố gắng nói. Bạn có thể thể hiện quan điểm của mình sau đó.
7. Lôi lại chuyện cũ
Có một số vấn đề không thể được giải quyết giữa các cặp đôi. Và dù được giải quyết xong xuôi, nó vẫn cứ được lôi ra nhắc lại trong một thời điểm nào đó. Đừng cố gắng tích trữ lại những lỗi lầm không hay của đối phương trong quá khứ và sử dụng như một luận điểm cho cuộc tranh cãi lần sau. Điều này chỉ khiến cả hai cảm thấy mối quan hệ ngày càng xuất hiện nhiều điểm bất đồng. Vấn đề dù nhỏ nhưng tích lũy thêm những vấn đề khác sẽ ngày càng nghiêm trọng và đến một lúc, chẳng thể giải quyết.
Trên đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn và nửa kia đang gặp vấn đề về giao tiếp. Lời khuyên là hãy cố gắng duy trì những thói quen lành mạnh, lưu tâm đến những điều nhỏ nhất trong cuộc nói chuyện hằng ngày. Chúc hai bạn thành công tìm được tiếng nói chung và duy trì mối quan hệ của mình lâu dài.
Theo Gia đình