Góc nhìn

Đừng để xảy ra một đợt lạm thu nữa trong năm học 2023-2024

PHONG TUYẾT 13/03/2024 06:30

Sau Tết, một số trường học ở Hải Dương lại rục rịch thu một số khoản tiền làm tình trạng lạm thu nóng trở lại.

lam-thu-ban-dai-dien-phu-huynh-dad8-6305.jpg
Nhiều nơi vẫn còn tình trạng ban đại diện phụ huynh học sinh đứng ra thu những khoản không đúng quy định (tranh minh họa)

Một người bạn của tôi kể, mới bước vào học kỳ 2 của năm học, lớp con nhà anh lại bắt đầu triển khai các khoản thu góp cho nhà trường. Nào quỹ khuyến học, quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, tiền điều hòa... Có khoản đã được nêu từ đầu năm học nhưng giờ mới thu, một số khoản là thu thêm phục vụ hoạt động của học kỳ 2. Điều khiến anh bức xúc là có những khoản đầu năm thống nhất với phụ huynh là A đồng nhưng đến khi thu lại thành B đồng, mà B lại lớn hơn A. Lạ một điều nữa là, dù quy định không cho phép Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu hộ nhà trường khoản thu ủng hộ cơ sở vật chất vì nguồn xã hội hóa này phải do nhà trường lập kế hoạch vận động và tổ chức thu nhưng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con nhà anh vẫn rất tích cực với việc này. Đem bức xúc thắc mắc với nhà trường, anh mới được giải thích rõ vì sao có khoản thu lại phải tăng thêm nên bức xúc phần nào cũng được giải tỏa.

Câu chuyện của anh làm tôi nhớ hồi đầu năm học 2023 - 2024, dư luận từng xôn xao về những bảng kê mức thu tiền bất hợp lý của nhiều trường học trong tỉnh. Có trường thu một số khoản đầu năm trái quy định đã phải trả lại tiền cho phụ huynh. Trước tình hình đó, việc thu góp đầu năm được giám sát chặt chẽ từ cả các cấp quản lý, cơ quan báo chí và qua phản ánh của phụ huynh học sinh. Do đó, nhiều trường đã tạm dừng thu một số khoản vào thời điểm đầu năm học.

Còn chuyện vì sao Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều lớp vẫn cứ tích cực làm việc "không phải của mình" và các trường cũng để việc này tồn tại thì đây vẫn là vấn đề không riêng anh bạn tôi mà nhiều người quan tâm.

Khách quan mà nói, cơ sở vật chất của nhiều trường học hiện còn thiếu, hoặc chưa đạt tới mức mong muốn của phụ huynh. Ví dụ, quy chuẩn phòng học không nhất thiết phải có điều hòa, nhưng nhiều phụ huynh lại không muốn con mình chịu cảnh nóng bức nên muốn trang bị thêm. Cũng có khi vì muốn đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nên thầy cô muốn giảng dạy bằng máy chiếu nhưng nhà trường lại không đủ kinh phí để trang bị mỗi lớp một bộ... Nếu nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ và được tài trợ tổ chức các hoạt động cho học sinh thì sẽ không cần phụ huynh học sinh quyên góp thêm nữa. Nhưng, vấn đề ở chỗ, việc trang bị thêm thiết bị cho phòng học không phải lúc nào cũng là mong muốn của tất cả phụ huynh. Nhiều gia đình còn khó khăn và họ cho rằng không nhất thiết phải làm việc đó, nhưng vì thiểu số phải phục tùng đa số nên khi cả lớp quyết họ buộc phải theo và sinh ra bức xúc. Trong khi đó, nhiều cán bộ quản lý trường học lại lười nghiên cứu, thực hiện không đúng quy định về vận động xã hội hóa, thậm chí phó mặc việc này cho Ban đại diện cha mẹ học sinh để mình đỡ trách nhiệm. Và, còn có những lý do tế nhị khác...

Để ngăn chặn lạm thu thì việc các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hơn nữa, hỗ trợ các hoạt động phục vụ dạy và học cho nhà trường là cần thiết.

Vì sao những "mùa thu" vẫn tái diễn trong trường học? Có thể do việc quản lý, giám sát chặt chẽ mới chỉ được thực hiện rốt ráo, quyết liệt trong một thời điểm là đầu năm học. Đa số phụ huynh còn tâm lý e dè, cả nể, không nêu ý kiến, góp ý của mình với nhà trường, giáo viên về các khoản thu chưa hợp lý vì sợ con bị "ảnh hưởng".

Vừa qua, có nhiều trường hợp sai phạm trong thu góp đầu năm đã được phát hiện nhờ báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc qua phản ánh của phụ huynh học sinh. Qua đó cho thấy phụ huynh cần thẳng thắn nêu ý kiến của mình nếu thấy những khoản thu không thoả đáng; kịp thời phản ánh thông tin tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý khi phát hiện vi phạm.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để xảy ra một đợt lạm thu nữa trong năm học 2023-2024