Cùng là cựu giáo chức ở quê ra thành phố sống với con, biết ông An mới về làng tảo mộ dịp Thanh minh lên, ông Đức tới chơi.
Thấy ông giáo già pha trà mà gương mặt nặng trĩu ưu tư, ông Đức băn khoăn hỏi:
- Mấy năm rồi dịch dã, năm nay mới về quê tảo mộ, làm tròn trách nhiệm với tổ tiên mà sao ông có vẻ ưu tư thế?
Như chỉ đợi câu hỏi của ông Đức, ông An thổ lộ:
- Tôi buồn vì lần này về quê phải chứng kiến sự mai một của tình làng nghĩa xóm ông ạ. Bây giờ đất đai ở quê cũng có giá nên nảy sinh biết bao mâu thuẫn. Trước kia ranh giới đất giữa các gia đình chỉ là rặng cúc tần, bờ rào râm bụt mà láng giềng gắn bó thân thiết. Giờ thì nhà này tranh giành với nhà kia từng xen ti mét đất ở, tình nghĩa xóm giềng rạn vỡ. Vì đất cát, người ta cãi nhau, chửi nhau, kiện nhau ra tòa, cạch mặt nhau, coi nhau như không quen biết.
Ông Đức gật đầu:
- Đúng rồi. Ngay nhà chú em tôi đây chứ đâu. Nhà chú em tôi và nhà bà Hoa đi cùng một con ngõ, thân thiết với nhau như ruột thịt. Ngày xưa có củ khoai, sắn luộc cũng chia sẻ cho nhau. Ấy vậy mà chỉ vì tranh chấp mấy mét ngõ nên hai nhà cạch mặt nhau. Giờ gặp nhau cũng không thèm chào hỏi nữa.
Ông An thở dài:
- Quê tôi bây giờ chẳng thiếu gì cảnh chỉ vì đất đai mà anh em cạch mặt, con cái cha mẹ xung đột. Làng quê thay da đổi thịt, đời sống vật chất được nâng lên đáng lẽ phải lấy đó làm nền tảng để con người sống với nhau tốt đẹp hơn, có tình hơn. Vậy mà… Chỉ mong mọi người cùng nhau nghĩ lại, đừng để tình nghĩa xóm làng phai nhạt.
NGỌC HÙNG