Sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp xã có thể coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm quy định về xây nhà trên đất chuyển đổi ở Hải Dương.
Cần giám sát chặt chẽ việc xây dựng nhà trên đất chuyển đổi, tránh để vi phạm rồi mới vận động tháo dỡ
Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để phát sinh vi phạm mới trên đất chuyển đổi, đó là chỉ đạo rất kiên quyết của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng tại cuộc họp UBND tỉnh ngày 22.2. Đây cũng là nội dung nóng nhất với nhiều ý kiến khá bức xúc.
Không bức xúc sao được khi các địa phương đều ít nhiều có vi phạm, từ nhỏ tới lớn, có những vi phạm kéo dài không được xử lý dứt điểm.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại cuộc họp này, toàn tỉnh có hơn 25.000 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chuyển đổi. Các cấp chính quyền địa phương đã lập biên bản, xử phạt hành chính đối với chủ của hơn 2.600 công trình. Gần 1.600 công trình nhà trông coi sử dụng kết hợp vào mục đích làm nhà ở của cả gia đình. Vi phạm trên đất nông nghiệp chuyển đổi chủ yếu là xây dựng nhà trông coi quá quy mô, diện tích cho phép. Diện tích khu chuyển đổi dưới 1.000 m2 vẫn xây dựng nhà trông coi… Thậm chí, có tình trạng lách luật bằng cách 2 nhà cạnh nhau cùng xây nhà trông coi ghép thành một căn nhà chung, liền một mái, chung một khuôn viên sân vườn…
Trong kết luận của Thanh tra tỉnh về đợt thanh tra đột xuất việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở; xử lý đất dôi dư, xen kẹp tại UBND xã An Thượng (TP Hải Dương) mới đây cũng cho thấy thực trạng nhức nhối này. Dù trong tài liệu gửi đoàn thanh tra, UBND xã An Thượng khẳng định hằng năm không có vi phạm về đất đai nhưng báo cáo UBND xã trình tại kỳ họp HĐND xã hằng năm lại cho thấy năm nào địa phương cũng lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt với tổng cộng 27 trường hợp tự lấn ao khoán, xây dựng công trình trên đất giao thông…
Hay ở thôn Bãi Mạc, xã Thượng Quận (Kinh Môn), gia đình ông Bùi Văn Dụ cũng xây dựng 2 căn nhà với các công trình phụ trợ như khu nghỉ dưỡng cao cấp với quy mô khá hoành tráng.
Tại khu chuyển đổi Đồng Linh ở xã Tân Quang (Ninh Giang) cũng từng mọc lên hai căn biệt thự hoành tráng nằm sát đường tỉnh 392B. Một căn xây dạng biệt thự có diện tích 177,4 m2, một căn nhà mái Thái rộng hơn 150 m2...
Có hàng nghìn lý do biện giải cho những vi phạm này. Như các khu chuyển đổi thường ở ngoài đồng, cách xa khu dân cư nên các hộ cần có chỗ để tập kết, bảo quản công cụ lao động, phải ở lại trông coi, bảo vệ tài sản. Hiện hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng khu chuyển đổi, giúp cho các điều kiện về sinh hoạt được thuận lợi hơn, từ đó người dân cũng hình thành tâm lý sinh sống lâu dài tại các khu chuyển đổi để thuận lợi và ổn định trong sản xuất. Một bộ phận người dân đã ngầm chuyển nhượng cho người có điều kiện và nhu cầu biến đất khu chuyển đổi thành khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kinh doanh dịch vụ…
Sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp xã có thể coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Những công trình kiên cố với quy mô hoành tráng như vậy không thể xây dựng trong một sớm một chiều nên việc chính quyền một số địa phương viện cớ không biết là không thể chấp nhận. Đó không khác nào chuyện những “con voi chui lọt lỗ kim”.
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, phải kiên quyết gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong công tác quản lý đất nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát và quyết liệt ngăn chặn vi phạm từ sớm; xử lý dứt điểm các vi phạm, quy trách nhiệm tới từng cá nhân, tập thể nếu để xảy ra sai phạm.
Việc hàng loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp ở nhiều địa phương trong cả nước bị kỷ luật liên quan đến sai phạm về đất đai, xây dựng thời gian gần đây là bài học sâu sắc đối với những người làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, trong đó có đất nông nghiệp.
KIM THANH