Góc nhìn

Đừng để 'Tết ăn'

BẢO ANH 23/01/2025 05:30

Chọn đón Tết theo cách nào tuỳ thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh. Mọi người cùng đón Tết, ăn Tết, chơi Tết, chứ đừng để 'Tết ăn'.

choi-tet.png
Nhiều gia đình đã biết cách lên kế hoạch đón Tết thảnh thơi nên có điều kiện đưa các con du xuân, trải nghiệm những hoạt động thú vị (ảnh minh họa)

Trẻ con thích Tết. Ai cũng nghĩ như vậy vì đủ mọi lý do cho rằng con trẻ luôn mong Tết đến hơn người lớn. Chẳng hạn như Tết được nghỉ học, được đi chơi, được nhận lì xì và diện những bộ quần áo mới... Thế nhưng, bài văn được cộng đồng mạng đặt tên là "Ghét Tết" bày tỏ cảm nghĩ của một học sinh đang được chia sẻ trên mạng xã hội khi Tết Ất Tỵ đang đến gần khiến không ít người lớn phải suy ngẫm.

Cậu bé viết: "Chắc hẳn ai cũng thích Tết. Từ nhỏ em đã nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chứ không phải nhà em. Vì đến Tết là em thấy mẹ và cả nhà đều mệt mỏi. Lúc trước, em rất thích Tết nhưng vì Tết mà mẹ mệt thì em không thích nữa...".

Bài viết còn khá dài với rất nhiều lý do khiến cậu bé cảm thấy Tết không vui như mọi người thường nói. Với sự cảm nhận của con trẻ, Tết chỉ thực sự vui khi thấy mẹ mình cười, gia đình được bên nhau. Cậu bé không muốn chứng kiến cảnh bố chạy đôn chạy đáo đi chúc Tết, còn mẹ mệt phờ với việc dọn dẹp, phục vụ suốt mấy ngày Tết để rồi chuyển sự mệt mỏi ấy thành cáu gắt với các con...

Tôi cũng đã từng sợ Tết, từng bị "Tết ăn" như cách nói vui của nhiều người. Bởi tôi bị cuốn vào vòng xoáy của những việc như: sắm sửa, chợ búa, làm cỗ, dọn dẹp... và thấy Tết thực sự tốn kém.

Bạn tôi thì bảo, cứ sau cúng lễ ông Công, ông Táo là quay cuồng những bữa tiệc và các nghi lễ của ngày Tết. Bố chồng bạn là trưởng họ, nên bắt đầu từ mùng 1 Tết, ngày nào cũng phải xoay vòng với ba bữa cơm. Bữa sáng làm mâm cúng ông bà tổ tiên và mâm cơm gia đình đầu năm mới. Rồi đến bữa trưa, bữa tối. Chưa kể hễ có khách đến nhà là ông bà lại mời ăn cơm... Bạn bảo, đó mới là chuyện ăn, còn quà Tết cũng phải lo đủ hai bên nội ngoại nên năm nào hai vợ chồng bạn cũng phải dè xẻn, tích cóp. Đến năm nay, bạn tôi bảo khả năng vẫn chưa thoát khỏi guồng quay ấy.

Còn tôi, bây giờ không còn sợ Tết, vì 2 năm nay cả gia đình quyết định thực hiện mục tiêu "ăn Tết", chơi Tết chứ nhất định không để "Tết ăn".

Làm thế nào để thực hiện mục tiêu ấy? Trước hết, chúng tôi giản tiện mua sắm, nấu nướng ngày Tết.

Trước đây, tôi luôn quan niệm bữa ăn ngày Tết quan trọng, là dịp đoàn viên nên cố gắng chuẩn bị chu đáo những món ngon, cầu kỳ và khác lạ so với ngày thường. Vì thế mà bữa ăn đã tạo nên áp lực, lấy đi thời gian thảnh thơi mấy ngày nghỉ.

Bây giờ, tôi chỉ mua thực phẩm đủ dùng. Dành thời gian chế biến những món đơn giản cho gia đình và khách đến chơi. Đặc biệt, thay vì một mình phải vào bếp thì cả gia đình tôi mỗi người một việc. Nhờ đó, việc nấu nướng ngày Tết trở thành niềm vui, nơi các con tôi có những trải nghiệm mới, kết nối các thành viên lại với nhau.

Tôi dành 2 ngày để về thăm, chúc Tết hai bên nội, ngoại, còn lại sẽ ở bên gia đình. Tôi có thời gian chơi với các con. Cả gia đình cùng xem phim, đi lễ chùa, du xuân... vừa ăn Tết và chơi Tết đúng nghĩa.

Tết là dịp gìn giữ những giá trị, nét đẹp truyền thống của người Việt nhưng không có nghĩa là "hành xác", phung phí tiền bạc. Đừng đặt lên vai nhau những áp lực, trách nhiệm hay ưu phiền không đáng có.

Tết không có lỗi mà lỗi là do sự lựa chọn của mỗi người. Đâu cứ phải mâm cao, cỗ đầy mới là Tết mà đó còn là thời gian để tận hưởng không khí đoàn viên, niềm vui khi người thân mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an, thành công. Đây cũng là khoảng thời gian quý giá để chúng ta tạm gác lại những bộn bề, mệt mỏi, cùng nhau tận hưởng không khí của mùa xuân, của năm mới.

Chọn đón Tết theo cách nào tuỳ thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để 'Tết ăn'