Đừng để làn nước mát cuốn trôi những sinh mệnh!

11/06/2021 08:34

Việc bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em là sứ mệnh, trách nhiệm của toàn xã hội. Đừng để làn nước mát mùa hè cuốn trôi đi những sinh mệnh quý giá, những mầm non tương lai của đất nước.


Ao bơi của nhà anh Nguyễn Ngọc Chương ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ), nơi cháu H. bị đuối nước chiều 8.6

Khoảng 16 giờ 30 ngày 8.6, cháu B.T.G.H. (5 tuổi) được dì là chị Trần Thị Quỳnh ở xóm 2, thôn Mép, xã Minh Đức (Tứ Kỳ) cho đi tắm cùng với hai con nhỏ của chị Quỳnh tại ao của nhà anh Nguyễn Ngọc Chương (sinh năm 1974, ở cùng thôn). Tại ao này có nhiều cháu nhỏ tắm cùng. Đến 17 giờ, một số cháu nhỏ đã về trước chỉ còn 3 mẹ con chị Quỳnh nhưng không thấy cháu H. Sau đó, chị Quỳnh đã gọi báo cho Công an xã Minh Đức. Đến 18 giờ 30, người dân trong xóm và lực lượng Công an xã tìm thấy thi thể cháu H. ở dưới ao và đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ. Tuy nhiên, cháu H. đã tử vong và được gia đình đưa về quê nội ở thôn Cầu Xe, xã Quang Trung lo hậu sự.

Được biết, ao bơi của gia đình anh Chương đấu thầu (nơi cháu H. bị đuối nước) rộng khoảng 360 m2, xung quanh là đường đi của xóm. Nước ao sạch nên mỗi ngày thu hút hơn chục người đến bơi. Trong quá trình tắm, cháu H. không biết bơi, lại không mặc áo phao.

Đây là vụ đuối nước thứ hai ở huyện Tứ Kỳ từ đầu tháng 6 đến nay. Trước đó, vào ngày 3.6 tại thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo xảy ra 1 vụ đuối nước làm 2 chị em sinh đôi 2 tuổi tử vong.

Chỉ trong vòng 4 ngày cuối tháng5 vừa qua, tại huyện Bình Giang cũng xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 2 cháu nhỏ...

Mùa hè là khoảng thời gian trẻ em được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học căng thẳng. Tuy nhiên, đây cũng là lúc số lượng các vụ đuối nước tăng cao.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em bị đuối nước, cao nhất Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển. Trên địa bàn tỉnh hằng năm đều xuất hiện những vụ đuối nước để lại cho người thân, gia đình và xã hội nỗi đau và một câu hỏi cần giải đáp: Làm thế nào bảo vệ trẻ em khỏi nạn đuối nước?

Trước thực trạng báo động trên, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp đuối nước như phổ cập bơi, đầu tư ngân sách để xây dựng bể bơi tại các địa phương... Song, chính sách trên chưa được phủ sóng và tác động mạnh mẽ tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương còn khó khăn trong ngân sách, điều kiện vật chất...

Tỉnh Hải Dương sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em. Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học từ năm 2010. Nhiều trường học đã được đầu tư xây bể bơi. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, số lượng và quy mô các bể bơi còn ít và chưa đạt chuẩn.

Để xảy ra các vụ trẻ em bị đuối nước có trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Một bộ phận cha mẹ còn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ bên cạnh việc dạy các kiến thức và kỹ năng khác. Đó còn là sự xao nhãng trong việc giám sát, bảo vệ trẻ em - một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Một số gia đình hiện nay cả bố mẹ đều đi làm ở doanh nghiệp hay đồng ruộng nên hầu hết thời gian con cái được gửi cho ông bà trông nom. Những vụ đuối nước thường xảy ra ở vùng nông thôn bởi ở đây còn chưa có nhiều địa điểm vui chơi công cộng, rèn luyện sức khỏe cho trẻ em.

Để không còn xảy ra những vụ đuối nước rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Nhà nước, nhà trường, phụ huynh và chính bản thân các em học sinh. Việc học bơi thiết nghĩ không chỉ là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn là kỹ năng sinh tồn. Bơi lội nên được khuyến khích đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường như là một môn học bắt buộc bên cạnh các kiến thức, chuẩn mực đạo đức khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, cung cấp thông tin về tầm quan trọng của việc học bơi đối với phụ huynh, học sinh và cộng đồng. Đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi có kinh nghiệm, đưa vào giảng dạy kỹ năng xử lý tình huống khi gặp nạn đuối nước. Cần tạo một môi trường rèn luyện phát triển thể lực như các cuộc thi bơi lội, tìm hiểu kiến thức khi gặp người bị đuối nước... dành cho trẻ em.

Việc bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em là sứ mệnh, trách nhiệm của toàn xã hội. Đừng để làn nước mát mùa hè cuốn trôi đi những sinh mệnh quý giá, những mầm non tương lai của đất nước.

NGUYỄN LINH - YẾN TRẦN (Gia Lộc)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để làn nước mát cuốn trôi những sinh mệnh!