Để chống chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ trong công tác cán bộ, trước hết cơ quan được giao thực hiện việc này phải thực sự công tâm, nghiêm minh...
Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30.5.2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng rất quan trọng nhằm xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và quy hoạch lựa chọn đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Tỉnh ta phải sắp xếp lại 53 xã, thị trấn theo kế hoạch. Riêng đội ngũ cán bộ, công chức của các xã, thị trấn này sẽ giảm khoảng 400 người so với hiện nay.
Ngoài ra, còn sáp nhập, sắp xếp lại trường học ba cấp của các địa phương trên và các trường học khác cũng đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Vấn đề khó và phức tạp nhất vẫn là con người, bởi chắc chắn sẽ có dôi dư, bớt ghế nên khó tránh khỏi sự cạnh tranh trong chọn lựa cán bộ.
Quá trình sắp xếp cán bộ nếu không có tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch dễ xảy ra tình trạng chạy chức, chạy vị trí. Đây chính là điều lo lắng trong đội ngũ cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị phải sáp nhập. Đồng thời với sáp nhập là quy hoạch cán bộ chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp cũng phải xem xét lựa chọn.
Thực tế trong nhiều năm qua, người ta xem việc chạy chức, chạy quyền như là một chuyện mặc nhiên phải có nếu muốn được đề bạt, bổ nhiệm cất nhắc, luân chuyển… Điều này đã hằn sâu trong suy nghĩ và hành động của nhiều cán bộ, công chức, viên chức.
Mặc dù hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện quyết liệt Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23.9.2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền và nhiều quy định khác nhưng trong tâm lý cán bộ, công chức, viên chức vẫn vẹn nguyên về chạy chức, chạy vị trí công tác.
Vì vậy, khi triển khai chủ trương sáp nhập, tinh gọn đầu mối và công tác quy hoạch chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp thì chạy chỗ, chạy chức, chạy vị trí đã bắt đầu xuất hiện. Có đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ở tỉnh nọ đã phải nói tại một hội nghị rằng: “Mới làm đề án thôi, ở dưới đã có hiện tượng người ta chạy rồi”.
Chính vì vậy, nhiều cán bộ, công chức đang băn khoăn, lo lắng, nhất là những người có trình độ, năng lực thực sự, có đạo đức, lòng tự trọng cao nhưng không có điều kiện kinh tế. Cho nên, khi tiến hành chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy không kiểm soát tốt quyền lực, để "cửa" cho người ta "chạy" thì sẽ không lựa chọn được cán bộ tốt thực sự.
Để chống chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ trong công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và sáp nhập, tinh gọn bộ máy, trước hết cơ quan được giao thực hiện việc này phải thực sự công tâm, nghiêm minh, không được tiếp tay cho các hành vi “chạy”. Nếu các cơ quan liên quan thực hiện được như vậy sẽ không có "cửa" cho người ta "chạy". Đây là nơi quyết định việc có chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hay không.
Đảng viên và nhân dân rất kỳ vọng vào việc cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện triệt để Quy định số 205 của Bộ Chính trị để tiến tới ngăn chặn, triệt tiêu tệ chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Từ đó, tạo sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, làm cơ sở cho sự đồng thuận trong nhân dân, lựa chọn được cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, “vừa hồng vừa chuyên”.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (TP Hải Dương)