Trong thời tiết nóng bức của mùa hè thời, nhiều người lựa chọn bổ sung vitamin C để giúp cơ thể giải nhiệt. Tuy nhiên, bổ sung thế nào cho an toàn?
Vitamin C có rất nhiều công dụng với sức khỏe
Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể không thể tự sản xuất được. Loại vitamin này tan được trong nước, có vai trò quan trọng đối với xương, mô liên kết, cơ bắp và các mạch máu.
Một số công dụng tuyệt vời của vitamin C đối với sức khỏe bao gồm:
- Tăng cường miễn dịch: Vitamin C thúc đẩy sản xuất các tế bào bạch cầu, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vitamin C hỗ trợ hàng rào biểu mô chống lại các tác nhân gây bệnh, thúc đẩy hoạt động chống oxy hóa của cơ thể, giúp cho các tế bào tránh khỏi các tổn thương từ gốc tự do.
- Phòng chống lão hóa mắt và đục thủy tinh thể: Vitamin C có chứa chất chống oxy hóa và hỗ trợ làm tăng lượng máu đến mắt, cải thiện sức khỏe mắt và phòng chống bệnh đục thủy tinh thể, các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng...
- Ngăn ngừa nguy cơ bệnh gout: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể giúp giảm axit uric trong máu, do đó ngăn ngừa các cuộc tấn công của bệnh gout.
- Cải thiện da, móng, tóc: Vitamin C là thành phần chính trong việc giúp cơ thể sản xuất ra collagen, một loại protein rất quan trọng phát triển các mô liên kết như da, xương, cơ, cấu trúc cơ thể, đặc biệt trong các sụn khớp và các dây chằng.
Có nên bổ sung vitamin C để giải nhiệt?
Việc bổ sung vitamin C có thể giúp chống lại tác động xấu từ ánh nắng mặt trời và tăng sức đề kháng cho cơ thể khi thời tiết giao mùa. Tuy nhiên, không nên coi vitamin C như một thứ thuốc làm "mát" trong mùa nắng nóng, bởi lẽ dùng quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, tăng tạo sỏi thận...
Vitamin C có rất nhiều trong thực phẩm ăn hàng ngày, do đó, khuyến nghị nên bổ sung vitamin C từ thực phẩm. Nếu trong chế độ ăn uống thiếu vitamin C hoặc một vài trường hợp cần bổ sung vitamin C thì cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Nhu cầu vitamin C mỗi ngày theo nhóm tuổi:
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 15mg.
- Trẻ từ 4 đến 8 tuổi: 25mg.
- Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 45mg.
- Thiếu niên (14 đến 18 tuổi): 65-75mg.
- Phụ nữ trưởng thành (trên 19 tuổi): 75mg.
- Nam trưởng thành (trên 19 tuổi): 90mg.
- Phụ nữ mang thai: 85mg.
- Phụ nữ cho con bú: 120mg.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động có nồng độ vitamin C trong huyết tương và bạch cầu thấp hơn so với những người không hút thuốc. Điều này có giải thích là do stress oxy hóa - sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể. Chính vì thế, những người hút thuốc lá cần bổ sung thêm 35 mg vitamin C mỗi ngày.
Nên bổ sung thế nào cho hợp lý?
Vitamin C có thể bị phá hủy bởi nhiệt độ và ánh sáng. Nấu thức ăn ở nhiệt độ quá cao hoặc thời gian nấu kéo dài có thể phá vỡ cấu trúc vitamin. Vitamin C tan được trong nước, do vậy, để tránh bị mất vitamin tan trong nước khi nấu chín, nên áp dụng các phương pháp đun nóng nhanh hoặc sử dụng lượng nước tối thiểu khi nấu ăn, chẳng hạn như xào hoặc chần.
Serum và kem dưỡng da chứa vitamin C được sử dụng phổ biến, giúp kích thích sản xuất collagen và bảo vệ da chống lại tác hại của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, vitamin C bôi ngoài chỉ đem lại những lợi ích hạn chế, rất ít khả năng xâm nhập vào bề mặt da và không tạo ra lợi ích bổ sung nếu cơ thể đã được cung cấp đầy đủ vitamin C thông qua thức ăn hoặc các thực phẩm chức năng.
Để tránh lạm dụng vitamin C, việc bổ sung cần tuân theo các quy tắc sau:
- Đối với người khỏe mạnh bình thường, cách bổ sung tốt nhất là từ nguồn thực phẩm hàng ngày để đáp ứng nhu cầu vitamin C của cơ thể. Các loại thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam, chanh, đu đủ, bông cải xanh, dâu tây…
- Những trường hợp bệnh lý hoặc thiếu vitamin C trầm trọng, có thể bổ sung thêm dưới dạng uống hoặc tiêm. Nên uống nhiều nước sẽ giúp quá trình hấp thu và đào thải vitamin C tốt hơn. Thời điểm hấp thu vitamin C tốt nhất là khi đói, do đó, nên bổ sung vào buổi sáng trước khi ăn, không nên bổ sung vitamin C vào ban đêm vì có thể dẫn đến mất ngủ.
- Nên tuân thủ theo tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, loại vitamin C nên bổ sung. Tránh coi vitamin C như một loại thuốc bổ cần nạp không giới hạn (đặc biệt là trẻ em và thai phụ).
- Không nên dùng vitamin C dạng sủi cho người bị tăng huyết áp, vì thành phần muối được hình thành sau phản ứng sủi bọt sẽ được hấp thu vào cơ thể gây tăng huyết áp. Cân nhắc ý kiến chuyên gia khi dùng cho những người đang bị hoặc có tiền sử mắc bệnh sỏi tiết niệu.
- Vitamin C có thể gây dị ứng nên cần hạn chế đến mức tối đa nếu dùng dạng tiêm.
Hậu quả của việc lạm dụng vitamin C
Khả năng hấp thụ vitamin C của ruột rất hạn chế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng hấp thụ vitamin C giảm xuống dưới 50% khi dùng một lượng lớn trên 1000mg. Ở những người trưởng thành khỏe mạnh nói chung, liều lượng lớn vitamin C không độc hại vì một khi các mô của cơ thể bão hòa vitamin C, sự hấp thụ sẽ giảm và bất kỳ lượng dư thừa nào sẽ được bài tiết qua nước tiểu.
Tuy nhiên, nếu dùng vitamin C liều cao kéo dài có thể gây các tác dụng không mong muốn như:
- Rối loạn tiêu hóa (nóng rát, chảy máu dạ dày hoặc tiêu chảy).
- Tăng hình thành sỏi thận ở những người mắc bệnh thận hoặc có tiền sử sỏi thận. Điều này có thể giải thích do vitamin C dư thừa sẽ được bài tiết ra khỏi cơ thể dưới dạng oxalate, có khả năng liên kết với các khoáng chất và tạo thành các tinh thể, dẫn đến hình thành sỏi thận.
- Tăng hấp thụ sắt và gây quá tải ở những người mắc bệnh hemochromatosis, một rối loạn di truyền đặc trưng bởi sự tích lũy sắt quá nhiều dẫn đến tổn thương mô.
- Ở người thiếu hụt enzyme glucose 6-phosphate dehydrogenase (G6PD), dùng vitamin C liều cao, kéo dài có thể gây tán huyết.
- Ngoài ra, nếu dùng vitamin C thường xuyên, liều cao làm cho cơ thể dễ quen, khi không dùng sẽ cảm thấy mỏi mệt.
Theo Sức khỏe và Đời sống