Đừng "bán mình" giá rẻ

05/08/2023 07:00

Người lao động cần nâng cao kiến thức, trình độ để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài.

Một thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản (ảnh minh họa)    

Cuối tháng 7 vừa qua, trong khi nhiều học sinh, phụ huynh phải cân não để chốt nguyện vọng cuối cùng vào đại học thì cả nước lại xôn xao chuyện thủ khoa tốt nghiệp THPT ở Quảng Bình và nhiều em vừa tốt nghiệp THPT ở Hà Tĩnh quyết định từ bỏ giấc mơ vào đại học để đi xuất khẩu lao động. Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không xét nguyện vọng vào đại học mà chọn đi làm việc ở nước ngoài cũng không hiếm ở Hải Dương.

Gần 20 năm trở về trước, đỗ đại học, nhất là vào những trường công lập là ước mơ, vinh dự lớn. Ngày đó, con em nhà nào đỗ đại học sẽ được xã thông báo rầm rộ trên hệ thống loa truyền thanh. Nhiều gia đình còn tổ chức liên hoan tưng bừng.

Nhưng nay đã khác xưa nhiều, thực trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, phải giấu bằng đại học để xin làm công nhân trong các khu công nghiệp không còn xa lạ. Không tìm được công việc phù hợp hoặc phải làm việc trái chuyên môn, thu nhập thấp là nguyên nhân khiến nhiều gia đình hiện nay hướng con em mình ra nước ngoài lao động kiếm tiền thay vì phải mất 4-5 năm học đại học.

Học đại học để sau khi ra trường làm công nhân phổ thông, thời vụ thì thật đáng tiếc nhưng bỏ ước mơ vào đại học để đi xuất khẩu lao động, tìm kiếm cơ hội đổi đời nơi đất khách quê người cũng chưa hẳn là cách làm hay. Bởi khi các em mới tốt nghiệp THPT đi nước ngoài làm việc thì cũng chỉ được gia nhập phân khúc lao động phổ thông. Mới nghe qua, mức lương được trả cho lao động phổ thông ở nước ngoài tưởng rất cao nhưng chủ yếu do chênh lệch tỷ giá và nỗ lực tiết kiệm của mỗi cá nhân. Nếu ăn uống, sinh hoạt một cách bình thường như lao động nước sở tại thì mức lương đó thậm chí không giúp trả nổi khoản vay nợ ban đầu để xuất ngoại.

Chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam có từ hơn 40 năm trước với mục tiêu thông qua hợp tác quốc tế giải quyết tình trạng thiếu việc làm, giảm nghèo. Sau từng ấy năm, mục tiêu đó nay đã thay đổi. Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành năm 2020 nêu rõ mục tiêu đưa lao động Việt Nam vào làm việc ở những ngành nghề hiện đại, thu nhập tốt và ưu tiên lao động trình độ cao.

Tại các thị trường xuất khẩu lao động lớn của Hải Dương hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cũng đang giảm dần. Nhật Bản dự báo sẽ thiếu khoảng 11 triệu lao động vào năm 2040 nhưng để lấp đầy khoảng trống này họ lại ưu tiên tuyển dụng lao động chất lượng cao vì những công việc đơn giản mà lao động phổ thông đang làm thì sau này máy móc, dây chuyền tự động và rô bốt có thể thay thế.

Đã đến lúc lao động của Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng không thể "bán mình" giá rẻ mà phải nâng cao kiến thức, trình độ để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài. Hải Dương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, mỗi năm đưa được ít nhất 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng từ 10-15%/năm và cũng tập trung nâng tỷ lệ lao động có trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án “Xuất khẩu lao động có trình độ cao” sẽ tạo cơ hội cho hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ đi làm việc ở nước ngoài với mức thu nhập tốt.

Vì vậy, kể cả chọn đi xuất khẩu lao động thì người lao động phải nâng cao giá trị chính mình để không chỉ có thu nhập cao mà khi trở về còn có thể đem kinh nghiệm, tri thức đã được học và trải nghiệm ở nước ngoài để phát triển nghề nghiệp.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng "bán mình" giá rẻ