Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc tiếp nhận các tên lửa tầm xa từ Mỹ sẽ cho phép Berlin có cơ hội phát triển các loại vũ khí tương tự.
Theo đài RT (Nga), hôm 11/7, phát biểu với đài truyền hình Deutschlandfunk, ông Pistorius bày tỏ sự nhẹ nhõm khi biết tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ được triển khai ở Đức. Ông lập luận rằng điều này sẽ giúp che đậy “lỗ hổng nghiêm trọng” trong phòng thủ của đất nước. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức cũng bày tỏ tin tưởng rằng các chính quyền tương lai của Mỹ sẽ không đảo ngược quyết định này.
Tuy nhiên, vì tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ chỉ được luân chuyển tới Đức, hoàn toàn rõ ràng rằng Washington kỳ vọng Berlin sẽ đầu tư vào việc phát triển và mua sắm những loại vũ khí tầm xa này.
Theo ông Pistorius, việc Mỹ triển khai tên lửa hành trình tại Đức sẽ cho phép Berlin thời gian cần thiết để thực hiện những nhiệm vụ đó. Ông cho rằng mục tiêu này là chìa khóa để đảm bảo an ninh quốc gia của Đức.
Trước đó, vào cuối hội nghị thượng đỉnh NATO tuần này, Berlin và Washington đã tuyên bố Mỹ sẽ triển khai tên lửa hành trình ở Đức từ năm 2026.
Việc triển khai những loại vũ khí này trước đây đã bị cấm theo hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2019.
Tuyên bố chung Đức - Mỹ do Nhà Trắng công bố tiết lộ rằng trong số các loại vũ khí sẽ được triển khai tới quốc gia châu Âu này, có tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460 km, cũng như tên lửa phòng không SM-6. Tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 2.500km.
Ngoài ra, Washington đã công bố kế hoạch triển khai vũ khí vượt âm đang phát triển ở châu Âu, có “tầm bắn xa hơn đáng kể so với các tên lửa trên đất liền hiện tại” ở lục địa này.
Giải thích quyết định rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng Nga đã vi phạm thỏa thuận với tên lửa hành trình của mình. Moskva phủ nhận những cáo buộc trên/ Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng việc hủy bỏ hiệp định sẽ “gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất”.
Về phần mình, Nga vẫn tiếp tục tuân thủ INF vài năm sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước. Trong khi đó, Điện Kremlin hồi đầu tháng đã tuyên bố rằng ngành công nghiệp quốc phòng nước này sẽ tiếp tục phát triển các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn.
Vào thời điểm đó, ông Putin giải thích: “Bây giờ chúng ta biết rằng Mỹ không chỉ sản xuất những hệ thống tên lửa này mà còn đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch để sử dụng trong các cuộc tập trận”.
Trong một bài đăng trên Telegram hôm 11/7, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã cáo buộc kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tới Đức là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược”. Nhà ngoại giao này nói thêm rằng động thái này có thể dẫn đến “sự leo thang không thể kiểm soát trong bối cảnh căng thẳng Nga - NATO đang gia tăng một cách nguy hiểm”.