Thủ tướng Đức đã bình luận thêm về việc nước này từ chối gửi tên lửa hành trình Taurus tới Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz lưu ý rằng ông vẫn chưa thể gửi tên lửa hành trình tầm xa Taurus tới Ukraine, đồng thời chỉ ra nguy cơ Berlin sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, theo AP ngày 27/2.
Đức hiện là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ và đang tăng cường hỗ trợ hơn nữa trong năm nay. Nhưng Thủ tướng Scholz đã trì hoãn trong nhiều tháng với đề nghị của Ukraine về tên lửa Taurus, loại vũ khí có tầm bắn lên tới 500 km và trên lý thuyết có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Đài phát thanh quốc tế Deutsche Welle (Đức) cùng ngày cũng dẫn lời Thủ tướng Scholz nêu hai vấn đề chính: phạm vi hoạt động của chúng và khả năng cần sự hỗ trợ từ quân đội Đức, mà ông cho rằng có thể được hiểu là sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Mô tả Taurus là một vũ khí "có tầm bắn rất xa", ông nói: "Những gì Anh và Pháp đang làm trong cách kiểm soát mục tiêu là không thể thực hiện được với Đức. Tất cả những ai từng làm việc với hệ thống này đều biết điều đó".
Thủ tướng Scholz đã nhiều lần chỉ ra trong những tháng gần đây, giữa một số áp lực, rằng việc chuyển giao tên lửa Taurus hiện chưa được thực hiện.Nhà lãnh đạo Đứccũng đã đăng những bình luận tương tự nhưng ít chi tiết hơn bằng văn bản trên mạng xã hội, nói rằng Berlin"sẽ không trở thành một bên tham chiến, dù trực tiếp hay gián tiếp".
Thủ tướng Scholz chưa tuyên bố dứt khoát rằng Taurus sẽ không được chuyển giao nhưng đưa ra lời giải thích rõ ràng nhất về sự do dự của ông - điều đã gây khó chịu cho cả phe đối lập bảo thủ ở Đức và một số người trong liên minh ba đảng của chính phủ do ông Scholz lãnh đạo.
Chính phủ Đức từ lâu đã nêu rõ quyết tâm giúp đỡ Ukraine mà không leo thang xung đột và lôi kéo Đức cũng như NATO vào cuộc chiến, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ không có lính Đức nào được triển khai đến Ukraine.
Trong khi đó Anh và Pháp từ lâu đã thông báo rằng họ sẽ lần lượt gửi tên lửa tầm xa Storm Shadow và Scalp tới Ukraine. Ông Scholz cho biết Taurus là “một loại vũ khí có tầm ảnh hưởng rất lớn”.
Khi được hỏi liệu ông có lo lắng rằng binh sĩ Đức sẽ phải đến Ukraine để kiểm soát mục tiêu mà tên lửa nhắm tới hay không, Thủ tướng Scholz nói rằng “lính Đức không bao giờ được liên kết với các mục tiêu mà hệ thống (Taurus) này tiếp cận”.
Theo ông Scholz, có nhiều lý do chính đáng giải thích tại sao tên lửa Taurus không phải là lựa chọn tiếp theo trong chương trình nghị sự và cuộc tranh luận của Đức về tên lửa Taurus đã làm mất đi những gì Ukraine thực sự cần hiện nay. Ông nói: “Những gì Ukraine đang thiếu là đạn dược có tầm bắn khác nhau, nhưng không hẳn là những vũ khí này đến từ Đức”.
Tuần trước, các nghị sĩ Đức đã kêu gọi chính phủ cung cấp thêm vũ khí tầm xa cho Ukraine, nhưng đã bỏ phiếu bác bỏ lời kêu gọi của phe đối lập rõ ràng thúc đẩy gửi tên lửa hành trình tầm xa Taurus.
Một kiến nghị do các đảng cầm quyền đưa ra kêu gọi chính phủ tiếp tục hỗ trợ quân sự và cho biết “điều này bao gồm việc cung cấp thêm các hệ thống vũ khí và đạn dược tầm xa cần thiết” để có thể tấn công vào “các mục tiêu chiến lược quan trọng ở xa phía sau chiến tuyến của Nga”. Kiến nghị đó không đề cập cụ thể đến việc có ủng hộ gửi tên lửa Taurus hay không.