Dựa vào dân

10/11/2012 19:09

67 năm về trước, ngày 10-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự “Ngày phụ nữ ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”.

Tại đây, Bác đã tặng Huy chương vàng cho bà Vương Thị Lai (tức Lợi Quyền), người đi đầu cuộc vận động quyên góp trong “Tuần lễ vàng”. Bác đã tự tay gắn huy chương và biểu dương “bà Vương Thị Lai là đại biểu của lòng hăng hái và hy sinh cho tất cả phụ nữ Việt Nam”.

Ngày 2-9-1945, Chính phủ lâm thời cách mạng chính thức làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để đối phó với hoàn cảnh rất khó khăn lúc bấy giờ, ngày 4-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành lệnh mở cuộc lạc quyên ủng hộ Quỹ độc lập để huy động nguồn tài chính và cơ sở vật chất trong quần chúng nhân dân cả nước. Phong trào ủng hộ Quỹ độc lập lan ra nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ khắp trong mọi giới, mọi lứa tuổi. Trong Tuần lễ vàng, bà Vương Thị Lai (nhà số 27, phố Hàng Ngang, Hà Nội) đã quyên góp vào Quỹ độc lập 109 lạng vàng.

Tấm huy chương Bác tặng bà Vương Thị Lai là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một công dân của nước Việt Nam mới, một phụ nữ ái quốc. Bà Vương Thị Lai đã xứng đáng với tấm huy chương quý và lời khen ngợi của Bác Hồ. Bà đã lặng lẽ tiếp tục đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành trong những ngày khó khăn cuối năm 1946. Sau này, bà lại tiếp tục góp tiền ủng hộ xây dựng Nhà máy Da Thụy Khuê, nhà máy dệt khăn mặt. Bà tham gia Hội đồng Nhân dân thành phố, là Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới của Việt Nam và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam. Người con trai cả của bà là Giáo sư, bác sỹ Mai Thế Trạch, sau này theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về giúp Tổ quốc như bao trí thức Việt Nam yêu nước khác. Người con trai thứ hai là ông Mai Thế Nguyên, một người Việt từng tham gia thiết kế hoàng cung Na Uy, đã làm phiên dịch cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Pa-ri.

Từ Tuần lễ vàng, sau này, cả nước đã lan tỏa nhiều phong trào khác giúp đỡ Chính phủ và nhân dân như: “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Lá lành đùm lá rách”... Đặc biệt, ngày nay, hầu như ở tất cả các địa phương trên toàn quốc đã xuất hiện các phong trào hiến đất xây dựng đường, xây trường học; quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo, xây cầu ở địa bàn khó khăn. Những việc làm ý nghĩa này đều xuất phát từ truyền thống của dân tộc và tấm gương đạo đức Bác Hồ cũng như các vị tiền nhân.

BẢO CHÂU (biên soạn)

(0) Bình luận
Dựa vào dân