Giáo dục

Du học sinh trầy trật săn việc ở Australia

T.H (theo VnExpress) 15/03/2024 13:15

Trần Thị Phương mất 9 tháng mới tìm được việc dù cô có bằng thạc sĩ đại học danh tiếng, từng làm việc tại một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới.

Sinh viên quốc tế mặc áo cử nhân chụp ảnh tốt nghiệp tại Đại học Curtin ở Bentley, Perth, bang Tây Australia, Australia. Ảnh: AFP
Sinh viên quốc tế trong lễ phục tốt nghiệp tại Đại học Curtin, Tây Australia

Cô gái 27 tuổi không thể nào nhớ được số hồ sơ xin việc đã gửi đi kể từ khi nhận bằng thạc sĩ Hệ thống Thông tin của Đại học Melbourne hồi tháng 6/2023. Cô cũng có hai năm kinh nghiệm làm việc tại công ty Kiểm toán EY Việt Nam trước đó. Nhưng cả hai điều này dường như không mang lại nhiều lợi thế khi tìm việc.

Sau bao nhiêu thư xin việc gửi đi, những gì Phương nhận được chỉ là lời từ chối, hoặc thậm chí im lặng.

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy hoang mang và lo lắng đến thế", Phương nói. "Đôi khi tôi tự hỏi liệu mình có tìm được việc ở đây không".

Sau chín tháng nỗ lực, Phương nhận được việc làm chuyên viên phân tích chiến lược cho một công ty tư vấn đất đai ở Perth, cách Melbourne gần 3.500 km đường bộ.

Câu chuyện của Phương phản ánh một phần thách thức mà những sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp có thị thực tạm trú ở Australia đang phải đối mặt.

Một khảo sát do Cơ quan chỉ số chất lượng học tập và giảng dạy (QILT), được tài trợ của chính phủ Australia, hồi năm 2022 cho thấy 28,5% du học sinh ở đây không tìm được việc sau sáu tháng tốt nghiệp. Với người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ, con số này là 14,4%.

Moin Rahman, 28 tuổi, người Bangladesh, là một trong những người như thế. Dù đã ứng tuyển cho hơn 80 vị trí, Rahman không thể tìm được một công việc toàn thời gian trong ngành kỹ thuật dân dụng, lĩnh vực anh theo học tại Đại học Queensland.

"Tôi phải chịu áp lực tâm lý rất lớn", Moin nói với Đài Phát thanh Truyền hình Australia (ABC).

Thị thực tạm thời dành cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp chưa giúp anh được gì hơn những công việc tạm thời hoặc chân tay.

"Nếu bằng một cách kỳ diệu nào đó tôi vượt qua buổi phỏng vấn, tôi sẽ bị hỏi về visa", anh kể.

"Rồi khi tôi nói tôi là sinh viên quốc tế nhưng được quyền đi làm toàn thời gian, tôi sẽ nhận được những cái nhún vai. Và thế là mọi phẩm chất tôi đã thể hiện trước đó, những gì đã khiến nhà tuyển dụng quan tâm, đều bị che mờ".

Ngay cả khi đã tìm được việc, thách thức với những du học sinh mới ra trường này vẫn chưa kết thúc. Họ phải nhận mức lương thấp hơn đồng nghiệp bản xứ.

Theo báo cáo "Tình trạng bấp bênh của cử nhân đến từ nước ngoài: Con đường thị thực của sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp" do Viện Grattan công bố vào tháng 10/2023, "chỉ một nửa (sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp và có thị thực tạm trú ở Australia) tìm được công việc toàn thời gian. Hầu hết số này nhận những công việc không đòi hỏi kỹ năng cao. Một nửa trong số này nhận mức lương thấp hơn 53.300 AUD (869 triệu VNĐ) một năm".

Gần 75% người có thị thực tốt nghiệp tạm thời có thu nhập thấp hơn mức lương trung bình của người lao động Australia trong năm 2021, chỉ tương đương với "lao động ba lô" (những người vừa đi du lịch vừa làm việc).

Cụ thể, sinh viên quốc tế tốt nghiệp với bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh có mức lương thấp hơn khoảng 58.000 AUD mỗi năm so với lao động sở tại có cùng trình độ.

Những người có bằng thạc sĩ máy tính và kỹ thuật kiếm được ít hơn khoảng 40.000 AUD. Sinh viên quốc tế có bằng cử nhân kỹ thuật hoặc máy tính kiếm được ít hơn 12.000 AUD so với sinh viên sở tại. Đối với những người tốt nghiệp ngành kinh doanh, mức chênh lệch là khoảng 10.000 AUD mỗi năm.

Phương cho biết bạn bè cô đến từ Ấn Độ, Thái Lan và Philippines đều cho rằng họ khó có thể tìm được công việc với mức lương tương đương với người sở tại.

Ngoài việc bị trả lương thấp, sinh viên quốc tế mới ra trường thường phải làm công việc không cần trình độ hoặc không phù hợp với ngành học của họ.

Tạp chí Tài chính Australia (AFR) dẫn một nghiên cứu do Đại học Deakin và Đại học Adelaide thực hiện với đối tượng được khảo sát là sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp từ 35 trường đại học ở Australia cho biết chỉ 36% trong số 1.156 người tham gia khảo sát tìm được công việc toàn thời gian đúng chuyên ngành họ học; 40% làm các công việc giản đơn trong các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ khách sạn, dọn dẹp, hoặc lái xe.

Ruva Muranda, tốt nghiệp ngành Khoa học Y Sinh năm 2018, cho biết cô phải làm việc trong một kho hàng cho tới đầu năm 2020.

"Tôi đã thực sự tuyệt vọng", Ruva nói với tờ Guardian "Không tìm được công việc đúng ngành học khiến tôi thấy mình thật kém cỏi.".

Ruva càng chán nản hơn khi so sánh bản thân với bạn bè, những người đã tìm được việc làm, thăng tiến, mua xe, mua nhà và đạt được mục tiêu nghề nghiệp của họ.

"Cảm giác giống như bạn bị bỏ lại ở vạch xuất phát", Ruva nói.

Swastika Samanta, người có bằng thạc sĩ về Quản lý môi trường, chia sẻ cô phải làm các công việc bán thời gian ở Australia.

"Ăn mày sao đòi xôi gấc", Swastika nói. "Bạn phải chấp nhận việc khả dĩ nhất có thể thôi".

Tình trạng cư trú không chắc chắn là một lý do khiến các nhà tuyển dụng không muốn tuyển du học sinh. Theo báo cáo "Sinh viên quốc tế Australia và quá trình chuyển đổi sang làm việc" của các nhà nghiên cứu tại Đại học Deakin và Đại học Công nghệ Sydney (UTS), hầu hết các nhà tuyển dụng đều cho biết họ ưu tiên tuyển dụng thường trú nhân.

Tiến sĩ Thanh Pham, một nhà nghiên cứu tại Đại học Monash, nói với ABC: "Họ (các nhà tuyển dụng) cho rằng sinh viên quốc tế mới tốt nghiệp giữ thị thực tạm trú không có khả năng cư trú lâu dài.... Trong cuộc phỏng vấn với tôi, họ giải thích tuyển dụng du học sinh đồng nghĩa với việc phải tìm lao động thay thế chỉ sau vài năm".

Sau nhiều trải nghiệm, Phương nhận ra đây là trở ngại chính với mình trong hành trình tìm việc.

Là một người yêu thích và từng làm việc liên quan đến lĩnh vực dầu khí, Phương muốn tìm việc trong ngành này. "Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên các ứng viên địa phương. Họ cho rằng người trong ngành này sẽ tiếp xúc với nhiều tài liệu về khoáng sản và khí đốt, được xem là thông tin nhạy cảm của Australia", Phương nói.

Tiến sĩ Pham cũng cho biết cô nhận thấy một số nhà tuyển dụng phải cân nhắc đến yếu tố hòa nhập văn hóa.

Theo báo cáo của Đại học Deakin và UTS, các nhà tuyển dụng cho rằng sinh viên quốc tế cần phải qua đào tạo để thích nghi với môi trường làm việc ở Australia, và việc này đòi hỏi chi phí cao.

Do đó, trừ khi thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, họ có xu hướng ưu tiên tuyển người địa phương nhằm tránh quy trình tài trợ lê thê, tốn kém.

Tương lai khó khăn

Bộ Giáo dục Australia hôm 28/2 công bố thời gian du học sinh được ở lại sau tốt nghiệp trong nhiều ngành, nghề chỉ còn 2-4 năm, thay vì 4-6 năm như trước, kể từ giữa năm nay.

Cơ quan này cho biết quyết định được xem xét trong bối cảnh môi trường kinh tế thay đổi, cũng như chiến lược mới về người nhập cư.

Ngoài ra, tuổi quy định cho người xin thị thực này sẽ được giảm từ 50 theo quy định hiện nay xuống 35. Hiện có khoảng 350.000 sinh viên quốc tế giữ thị thực tạm trú tại Australia.

Trong bối cảnh nhiều nhà tuyển dụng không muốn tuyển du học sinh đã tốt nghiệp vì tình trạng cư trú không chắc chắn, quy định mới này có thể khiến cơ hội việc làm của họ càng khó hơn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều người, việc rút ngắn thời hạn thị thực có mặt tích cực, giúp đảm bảo sự phát triển bền vững hơn cho sinh viên và cho chính Australia.

Nhà phân tích chính sách Andrew Norton của Đại học Quốc gia Australia nói với Times Higher Education: "Điều này tạo ra sự công bằng hơn cho sinh viên, và tốt hơn cho nước Australia nói chung".

"Nếu bạn còn trẻ và có khởi đầu sự nghiệp tốt, tương lai bạn sẽ có nhiều triển vọng", ông nói.

Dù phải gặp nhiều khó khăn, Phương ủng hộ quan điểm tích cực này.

"Tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều du học sinh khác trong hành trình tìm việc", Phương chia sẻ. "Mặc dù không thể đoán trước tương lai, nhưng nếu gặp phải rào cản, tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để vượt qua".

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du học sinh trầy trật săn việc ở Australia