Giáo dục

Động lực đổi mới dạy và học

THANH HÀ 20/11/2023 06:00

Hoạt động viết sáng kiến trong ngành giáo dục đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào nổi bật của ngành. Nhiều sáng kiến được ứng dụng rộng rãi tạo hứng thú cho cả giáo viên và học sinh trong dạy và học.

00:00

sk1.jpg
Sáng kiến của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ văn, Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) mang lại hứng thú học tập cho học sinh

Phong trào rộng khắp

Cô giáo Lưu Thị Hương Sen, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hợp (Tứ Kỳ) đến nay đã có hàng chục sáng kiến cấp cơ sở, 4 sáng kiến cấp ngành và 2 sáng kiến cá nhân được công nhận cấp tỉnh. Năm nay, cô Sen cùng cô Nguyễn Thị An, giáo viên nhà trường viết sáng kiến "Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp 2" và được công nhận cấp tỉnh. Năm học 2022 - 2023 là năm thứ hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2. Cô Sen cho biết để đáp ứng tốt hơn mục tiêu của môn học và phát triển năng lực, tạo hứng thú cho học sinh và khuyến khích giáo viên mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nên các cô đã viết sáng kiến này.

Việc viết sáng kiến luôn xuất phát từ thực tiễn. “Trong quá trình giảng dạy, tôi để ý những thuận lợi, khó khăn cũng như cách dạy hay rồi đúc rút lại cho bài bản, khoa học. Vì thế, những sáng kiến của tôi luôn áp dụng dễ dàng, không chỉ riêng ở môn tự nhiên, xã hội mà còn vận dụng được với nhiều môn học khác”, cô Sen chia sẻ.

sk2.jpg
Cô giáo Lưu Thị Hương Sen (bên trái) và cô giáo Nguyễn Thị Liễu, Trường Tiểu học Đại Hợp (Tứ Kỳ) trao đổi về phương pháp dạy môn tự nhiên, xã hội lớp 2

Để phong trào viết sáng kiến sôi nổi, hằng năm, vào tháng 10 năm trước, Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương) sẽ triển khai để cán bộ, giáo viên chủ động đăng ký đề tài, nội dung sáng kiến. Tháng 1 năm sau, cán bộ, giáo viên nộp sáng kiến về trường. Sau khi được cấp trường chấm, các sáng kiến được chọn sẽ do Hội đồng chấm sáng kiến của trường tư vấn, hỗ trợ chỉnh sửa cho hoàn thiện để gửi dự thi cấp tỉnh.

Cô giáo Phạm Thị Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: “Nhà trường có 56 cán bộ, giáo viên, trung bình hằng năm có 20 cán bộ, giáo viên tham gia viết sáng kiến. 100% số sáng kiến đều được công nhận cấp trường và từ 10-30% số sáng kiến được công nhận cấp tỉnh”.

Hiệu quả

Phong trào viết sáng kiến đã tạo động lực thúc đẩy việc dạy và học theo phương pháp mới. Cô Nguyễn Thị Liễu, giáo viên dạy lớp 2A, Trường Tiểu học Đại Hợp chia sẻ trước đây cô gặp khó khăn trong giảng dạy môn tự nhiên và xã hội lớp 2 do là chương trình giáo dục phổ thông mới. Cô loay hoay một thời gian mà chưa tìm ra phương pháp phù hợp. Sau khi áp dụng phương pháp dạy từ sáng kiến "Một số biện pháp nâng cao chất lượng dạy học môn tự nhiên và xã hội lớp 2" của cô Lưu Thị Hương Sen và Nguyễn Thị An, cô Liễu thấy không còn áp lực như trước đây nữa. “Tôi đã chuyển sang lấy học sinh là trung tâm, cho học sinh được tự do sáng tạo theo bài học, tham quan, trải nghiệm nhiều hơn là giảng dạy trong sách vở. Các con tiếp thu bài nhanh, sôi nổi phát biểu ý kiến nên các giờ học rất vui vẻ”, cô Liễu nói.

Sáng kiến của cô Sen và cô An không chỉ được được giáo viên trong Trường Tiểu học Đại Hợp mà còn được nhiều giáo viên ở trường ngoài áp dụng. Cô Nguyễn Thị Đượm, Trường Tiểu học Hà Kỳ (Tứ Kỳ) chia sẻ: “Việc áp dụng sáng kiến của cô Sen vào trong dạy và học khiến chúng tôi cảm thấy nhàn hơn, học sinh được tham quan, trải nghiệm, trực tiếp thực hiện các hoạt động nên tự tin hơn trong cuộc sống. Không chỉ có tôi, một số cô giáo trong trường như cô Sim, cô Phương cũng áp dụng sáng kiến này của cô Sen”.

trai-ngiem-2.jpg
Học sinh trải nghiệm, tham gia trực tiếp vào các hoạt động là phương pháp mới trong nhiều sáng kiến của giáo viên hiện nay

Sử thi là thể loại khó trong văn học nên học sinh cũng như giáo viên không có hứng thú khi học và dạy thể loại này. Thế nhưng từ khi cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ văn, Trường THPT Nguyễn Du áp dụng kiến thức trong sáng kiến “Một số giải pháp dạy đọc hiểu thể loại sử thi - ngữ văn 10 theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn 2018” do chính cô viết thì học sinh hứng thú với bài giảng hơn nhiều. Em Phạm Hoàng Thảo Ly, lớp 11A cho biết: “Chúng em có thể đóng vai các nhân vật, xây dựng bối cảnh và sử dụng các trang phục phù hợp để thể hiện tác phẩm văn học. Khi được tự do sáng tạo, chúng em có hứng thú học tập hơn, không còn chỉ có nghe giảng và trả lời các câu hỏi như trước đây nữa. Em thấy phương pháp giảng dạy của cô gần gũi và em mong sẽ có thêm nhiều tiết học như vậy để chúng em thấy học tập không còn là áp lực nữa”.

Phong trào viết và ứng dụng những kết quả của sáng kiến vào giảng dạy và học tập đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong công tác giảng dạy và học tập.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, số sáng kiến của các thầy cô giáo ngành giáo dục năm sau tăng hơn năm trước. Năm 2022, ngành giáo dục có 142 sáng kiến được công nhận. Năm 2023, con số này tăng lên 157. Các sáng kiến viết bảo đảm theo yêu cầu, khả năng mang lại lợi ích thiết thực. Đặc biệt, nhiều sáng kiến có khả năng nhân rộng, mang lại hiệu quả cao trong dạy và học.

THANH HÀ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực đổi mới dạy và học