Khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học chương trình mới

17/12/2022 05:45

Năm học 2022-2023, để bảo đảm việc dạy và học theo chương trình mới cho học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10, trong lúc chờ cấp trang thiết bị, các nhà trường và giáo viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn bằng nhiều cách.


Giáo viên Trường THPT Kim Thành tận dụng thiết bị cũ để dạy học

Năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 bắt đầu học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Nhưng đến nay các trường chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới do vướng công tác đấu thầu mua sắm. Các nhà trường và giáo viên đang nỗ lực khắc phục khó khăn này trong khi chờ được cấp.

Cái khó ló cái khôn

Tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học là giải pháp mà giáo viên ở Hải Dương đang áp dụng để khắc phục khó khăn. 

Tiết học âm nhạc của học sinh lớp 3 Trường Tiểu học và THCS Phú Điền (Nam Sách) do chưa được cấp thiết bị Maracas để luyện tập tiết tấu, cô giáo Lê Thị Lan Anh và học sinh phải sử dụng 2 chai nhựa gõ vào nhau tạo nhịp cho bài hát “Vui đến trường”. 

Cô Lan Anh cho biết không chỉ âm nhạc mà nhiều môn khác giáo viên cũng phải tự chế thiết bị giảng dạy. Ví dụ môn toán cần nhiều dụng cụ dạy học như ca hoặc cốc chia vạch sẵn để dạy về đo lường, môn hình học cần các mô hình khối hình học. Nhưng giáo viên phải tự vẽ, chia vạch ca, cốc, tự thiết kế mô hình hình học bằng giấy, bìa các tông... “Chúng tôi phải khắc phục để học sinh được thực hành, trải nghiệm thực tế chứ không thể dạy chay được”, cô Lan Anh nói.

Trong kho của Trường Tiểu học và THCS Phú Điền cũng chỉ còn ít hóa chất cũ, mô tơ điện, tranh, ảnh cũ và một số thiết bị thí nghiệm đơn giản. Những thiết bị này chỉ đáp ứng 20-30% số thiết bị tối thiểu. Hóa chất, bình thí nghiệm cũ của lớp 8 và lớp 9 đã được tận dụng dạy cho lớp 6, lớp 7, bộ chữ cũ của lớp 3 cũng được tái sử dụng...

Tương tự với lớp 10, các thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chưa có. Thầy Đặng Xuân Cường, giáo viên môn hóa học Trường THPT Kim Thành cho biết môn học này cần rất nhiều thiết bị để thí nghiệm, thực hành. Như liên quan đến bài học liên kết cộng hóa trị cần có mô hình phân tử. Giáo viên cùng học sinh phải tự làm thủ công mô hình phân tử để dạy và học. “Dạy bằng mô hình trực quan sẽ hiệu quả hơn nhiều”, thầy Cường cho biết.

Các giáo viên khác của Trường THPT Kim Thành cũng đang tận dụng tối đa thiết bị dạy học hiện có. Như môn vật lý, do chưa được cấp thiết bị hiện đại đo tốc độ, vận tốc nên giáo viên đang sử dụng máy đo gia tốc trọng trường cũ kết hợp đo thủ công. Hay chưa có thiết bị dạy thực hành va chạm nên giáo viên sử dụng tạm thiết bị cũ. Tuy nhiên, giáo viên vất vả hơn, mất thời gian tính toán trung gian nhiều hơn và kết quả chỉ tương đối, không chính xác 100%.


Trong khi chờ được cấp thiết bị mới, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phú Điền (Nam Sách) phải tự làm thiết bị dạy học

Khai thác hiệu quả nguồn học liệu mở

Nguồn học liệu mở là giải pháp then chốt mà giáo viên đang khắc phục hiệu quả. Giáo viên khai thác nguồn học liệu trên internet, kho tài liệu số, phần mềm… để lấy hình ảnh minh họa hoặc video làm thực hành, thí nghiệm ảo.

Để khai thác hiệu quả nguồn học liệu này, Trường Tiểu học và THCS Phú Điền đã sớm trang bị cho các lớp học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đủ 100% ti vi màn hình lớn có kết nối mạng ổn định. Các giáo viên chủ động mua máy tính xách tay để dạy học.

Do chưa có kính hiển vi, kính lúp hay bộ đồ mổ, mô hình cơ thể người… nên cô Phạm Thị Hà (giáo viên môn sinh học Trường Tiểu học và THCS Phú Điền) phải sử dụng video làm thực hành, thí nghiệm ảo cho học sinh xem. Nhưng với phương thức này, giáo viên phải vất vả soạn 2 giáo án bằng PowerPoint và Word. Tương tự, môn hóa học của thầy Cường có bài liên kết cộng hóa trị cũng phải khai thác video trên mạng trình chiếu mô hình phân tử 3D hoặc khai thác qua các phần mềm để giảng dạy.

Trường THPT Kim Thành cũng đã trang bị cho tất cả các lớp máy chiếu, màn hình và kết nối mạng. Ngoài ra, trường còn có 2 bảng tương tác thông minh. Thầy Nguyễn Đức Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành cho biết nhiều môn học trong chương trình mới là môn khoa học thực nghiệm. Chương trình được xây dựng theo hướng phát triển năng lực, gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành. Theo định hướng này, cần trang bị các thiết bị dạy học đa dạng về chủng loại: tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hóa chất, thiết bị kỹ thuật nghe nhìn, các loại máy móc. Tuy nhiên, trang bị được đầy đủ là khó khăn với nhiều cơ sở giáo dục nên các giáo viên phải tự tìm kiếm các video, thí nghiệm ảo phù hợp phục vụ cho bài dạy.

Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã rà soát và đang xây dựng dự toán mua sắm thiết bị dạy học lớp 3, lớp 7 và lớp 10; phối hợp với sở, ngành liên quan để sớm cấp thiết bị cho các trường.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học chương trình mới