Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao lực lượng doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tiên phong đẩy mạnh đầu tư...
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân do USAID tài trợ, tổ chức Diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững.”
Sự kiện nhằm khích lệ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần tăng cường năng lực nội sinh của nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, bao trùm...
Tại diễn đàn, Ban Tổ chức đã trao Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án USAID IPSC với đại diện 22 doanh nghiệp tiên phong. Đồng thời, trao giải cho 10 doanh nghiệp sáng kiến ESG (Môi trường-Xã hội-Quản trị) Việt Nam 2023.
“Các doanh nghiệp tiên phong chính là lực lượng nòng cốt nhằm dẫn dắt và kiến tạo những thay đổi trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Đây sẽ là những điển hình thành công, lan toả tinh thần tiên phong, tự hào của người Việt trên hành trình đưa sản phẩm “Made by Vietnam” ra thị trường quốc tế,” ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao lực lượng doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tiên phong đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chủ động ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero carbon của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050.
“Đây chính là những ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Là cơ quan tham mưu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiều năm qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh; tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tinh thần tiên phong của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững. Từ đó, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
“Cộng đồng doanh nghiệp cần mạnh dạn, chủ động có các giải pháp đột phá, sáng tạo, hiện đại, tận dụng và nắm bắt thời cơ để đưa doanh nghiệp lớn mạnh, góp phần chung vào phát triển đất nước. Các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy tính tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ… nhằm nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp do mình làm chủ, tăng cường liên kết để nâng tầm vị thế sản phẩm Việt, chủ động tham gia chuỗi giá trị bền vững,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn mới và hướng đến tính bền vững và bao trùm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hơn 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân với tài trợ từ USAID đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong, doanh nghiệp áp dụng thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Chẳng hạn như: về hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, từ hơn 600 doanh nghiệp đăng ký, dựa trên những tiêu chí đánh giá khách quan và khoa học, Hội đồng đánh giá đã lựa chọn 22 doanh nghiệp tiên phong để nhận gói hỗ trợ được thiết kế riêng với tổng giá trị lên tới 150.000 USD.
Cùng với đó, hỗ trợ kỹ thuật của dự án cho doanh nghiệp tiên phong có sự đồng hành của các bên liên quan và tập trung vào: xây dựng chiến lược tổng thể bao gồm chiến lược định vị thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường quốc tế; nghiên cứu và phát triển thị trường mục tiêu; hỗ trợ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt và hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp.
Về thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và thực hành khung đánh giá ESG: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID khởi động cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 vào tháng 11/2022. Sáng kiến đã thu hút gần 150 hồ sơ đăng ký từ các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Trên cơ sở đó, dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp có sáng kiến tốt nhất để hỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyên sâu 1-1 nhằm nâng cao năng lực và hiểu biết về ESG cũng như các mô hình kinh doanh bền vững khác, giúp các doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG.
Top 3 doanh nghiệp chiến thắng chung cuộc được công bố tại diễn đàn sẽ nhận được các hỗ trợ có tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng để thí điểm triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết: "USAID cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân Việt Nam. Thông qua hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh bền vững và áp dụng thực hành ESG, chúng tôi giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu nhằm kiến tạo một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.”
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự cũng được lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp, chuyên gia về động lực, lợi ích và giá trị để các doanh nghiệp quyết định “dấn thân”, tiên phong trong phát triển chuỗi cung ứng và dẫn dắt sự phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân với tài trợ của USAID sẽ tiếp tục tập trung thúc đẩy tinh thần tiên phong của doanh nghiệp.
Từ đó, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, qua đó đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Vietnam+