Động lực để Trung Quốc xây kênh đào đầu tiên sau 700 năm

25/07/2023 20:20

Trung Quốc đã thi công kênh đào lớn đầu tiên của nước này trong 700 năm.


Ảnh chụp từ trên cao về địa điểm thi công kênh đào Pinglu

Kênh đào này có tên Pinglu, dài 135 km trị giá 72,7 tỷ nhân dân tệ (10,1 tỷ USD), đã được xây tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây từ tháng 5.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 24.7 đưa tin Bắc Kinh kỳ vọng kênh đào này có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với các nước Đông Nam Á.

Giới chức Trung Quốc từ lâu ưu ái xây dựng cầu và đường bộ để kết nối, tạo điều kiện di chuyển cho dòng người, hàng hóa. Trong khi đó, việc xây kênh đào đòi hỏi lực lượng lao động vừa đông đảo vừa thành thạo kỹ thuật.

Trên 2.200 năm trước dưới thời Nhà Tần, Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc Tần Thủy Hoàng đã xây kênh đào Lingqu dài 36,4 km để đưa binh sĩ tới chiến đấu với các bộ tộc ở phía Nam và mở rộng lãnh thổ. Dự án “khủng” của Tần Thủy Hoàng kết nối sông Tương tại tỉnh Hồ Nam và sông Li tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Ngoài ra, một kênh đào kết nối giữa Bắc Kinh và Hàng Châu dài 1.800 km đã được hoàn thành cách đây 700 năm trong thời đại Nhà Nguyên (1279-1368). Như vậy Pinglu khi được hoàn thiện sẽ trở thành kênh đào đầu tiên của Trung Quốc trong 700 năm qua.

Hiện tại, hàng hóa từ miền Tây Trung Quốc đến Quảng Châu và Hong Kong qua sông Xi và sông Châu Giang, nhưng sau khi kênh Pinglu hoàn thành, hành trình từ miền Tây Trung Quốc ra biển sẽ rút ngắn hơn 560 km. Theo ước tính chính thức, con kênh này có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới 5.000 tấn. Kênh Pinglu sẽ chủ yếu được sử dụng để vận chuyển than, khoáng sản, xi măng, ngũ cốc, vật liệu xây dựng và container.

Kênh đào Pinglu không chỉ được coi là cơ hội để phát triển tỉnh Quảng Tây, mà còn thể hiện kỹ thuật xây dựng tiên tiến và tư duy chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.

Nhà tư vấn kỳ cựu giúp các công ty Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư tại Đông Nam Á – ông Gao Zhendong phân tích: “Giá trị thực tiễn của dự án này rất đáng mong đợi. Điều này tương đương với nhiều ‘mao mạch’ hơn để gắn kết chặt chẽ thị trường Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”.

Kênh đào này được cho sẽ tạo điều kiện để các tàu container hoặc tàu chở hàng rời Nam Ninh - thủ phủ khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đến Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác trong vài tuần.

Trong cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN tại Jakarta (Indonesia) hồi đầu tháng này, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi hợp tác toàn diện để làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược song phương.

Cố vấn cấp cao của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quảng Tây - ông Huang Yonghui cho rằng Trung Quốc cần mạng lưới logistic dày đặc hơn nữa để đảm bảo chuỗi cung ứng song phương cũng như trao đổi kinh tế và thương mại gần gũi hơn. Kênh Pinglu được cho sẽ cải thiện vấn đề kết nối cơ sở hạ tầng song phương, “mở đường” để Quảng Tây có liên kết toàn diện với các thị trường Đông Nam Á thông qua đường bộ, đường sắt, vận chuyển và hàng không.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá kết nối cơ sở hạ tầng được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu, đã được thể hiện trong Sáng kiến Vành đai, Con đường của Bắc Kinh và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở chính tại Bắc Kinh.

Ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác cũng đã nỗ lực định hình phát triển chiến lược quốc gia của mình bằng cách xây dựng kênh đào. Kênh đào Suez ở Ai Cập và Kênh đào Panama nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương đã đóng vai trò quan trọng trong địa chính trị những năm qua. Còn có dự án Kênh đào Thai (hoặc Kra Isthmus) 120 km kết nối Vịnh Thái Lan và Biển Andaman đã được thảo luận trong nhiều thập niên từ đầu những năm 2000 nhưng vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, Trung Quốc đang cố gắng để đạt được kế hoạch hoàn thiện kênh đào Pinglu vào năm 2026.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang tiến hành mô phỏng toán học và vật lý để dự đoán nước biển sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc di dời và điều chỉnh các nguồn nước uống cũng như địa điểm tưới tiêu của người dân địa phương sau khi con kênh đi vào hoạt động.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường từ con kênh cho biết nó sẽ đi qua năm vùng bảo vệ nguồn nước uống, chiếm 849,18 ha đất nông nghiệp, 16,56 ha rừng phi thương mại cùng 13,9 ha rừng ngập mặn hoang dã và tác động đến hệ sinh thái thủy sinh. Cơ quan giám sát môi trường khu vực cho biết họ sẽ bảo vệ hệ sinh thái khi phát triển con kênh và không giải thích thêm chi tiết.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực để Trung Quốc xây kênh đào đầu tiên sau 700 năm