Kinh tế

Trung tâm Tài chính quốc tế tạo động lực mới, đột phá cho phát triển

TB (theo TTXVN) 04/01/2025 09:14

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành tham mưu cùng Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét có cơ chế, chính sách cho Trung tâm Tài chính quốc tế; thực hiện Việt Nam hóa tinh hoa thế giới lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ, địa phương chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ, địa phương chủ trì hội nghị

Sáng 4/1, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lương Tam Quang; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lê Minh Trí; các bộ trưởng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Xây dựng Trung tâm Tài chính là việc chung của cả nước, vì cả nước

Trước đó, ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 47-TB/TW “về việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.”

Trong số đó, Bộ Chính trị đồng ý thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng.

Từ nay đến năm 2030 sẽ ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay; đồng thời thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

ttxvn-0401-thu-tuong-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị công bố kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Trong giai đoạn 2030-2035, sẽ tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.

Hội nghị được nghe công bố Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; chứng kiến Lễ ra mắt Ban Chỉ đạo về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Nghị quyết số 259/NQ-CP của Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam, tập trung vào 5 trọng tâm: Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại; thu hút nhân tài quốc tế; thúc đẩy đổi mới tài chính; mở rộng hội nhập quốc tế; bảo vệ an ninh tài chính.

ttxvn-0410-thu-tuong-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-3-5.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã trình bày cụ thể về sự chuẩn bị để phát triển trung tâm tài chính; các giải pháp triển khai Kế hoạch hành động, Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của 2 thành phố về trung tâm tài chính.

Đồng thời cho rằng quá trình xây dựng trung tâm tài chính là kết quả của tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, tâm huyết của nhiều tổ chức, cá nhân, đây không phải là việc riêng của TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng mà là của cả nước và vì cả nước.

Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, đề xuất giải pháp phát triển thị trường vốn; phát triển lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp; phát triển hạ tầng số cho Trung tâm Tài chính Việt Nam.

Bà Alexandra Smith, Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam đang ở thời khắc quan trọng, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là một trong những minh chứng bảo đảm cho mục tiêu này.

Tài chính có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần phát triển đất nước; là ưu tiên hàng đầu của Anh tại ASEAN và khu vực. Vương quốc Anh đã, đang và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ để Việt Nam xây dựng thành công các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

ttxvn-0410-thu-tuong-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-3-3.jpg
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu

Phát biểu tại hội nghị, bày tỏ vui mừng trước sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, chia sẻ của bạn bè quốc tế, củng cố niềm tin về sự phát triển hiệu quả của Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trải qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Năm 2024, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023.

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới với mức tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%, đưa quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 810 tỷ USD, xuất siêu 24 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt kỷ lục trên 2 triệu tỷ đồng, vượt trên 19% dự toán.

Thu hút FDI, đạt khoảng 40 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới.

Việt Nam đã ký kết 17 FTA, có quan hệ với 33 đối tác chiến lược toàn diện, chiến lược và tương đương, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia.

Theo Thủ tướng, 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước, sắp xếp tổ chức bộ máy và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; cũng là là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề để có thể tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chính trong phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2025 và thời gian tới để Việt Nam đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc xây dựng, phát triển Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Việt Nam hội đủ 5 yếu tố xây dựng, phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế

Thời gian qua, tổng đầu tư xã hội của Việt Nam đạt 33-35% GDP, song thời gian tới con số này phải đạt 45-50% tổng GDP, tương đương 4-5 triệu tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thị trường vốn của Việt Nam phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu.

Thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh dẫn truyền vốn quan trọng trên thị trường, duy trì đà tăng trưởng so với 2023.

ttxvn-0410-thu-tuong-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-3-6.jpg
Hội nghị công bố kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam hội đủ 5 điều kiện để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Trong đó, Việt Nam có quy mô nền kinh tế đứng thứ 33 thế giới; tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, ổn định; Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược và đạt kết quả tích cực; tốc độ phát triển thị trường chứng khoán hàng đầu khu vực, với vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,2 triệu tỷ đồng; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, với độ mở gấp 1,7 lần tổng GDP; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển và có vị trí thuận lợi.

Thủ tướng cho rằng việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tham mưu cùng Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét có cơ chế, chính sách cho trung tâm tài chính quốc tế; thực hiện việc Việt Nam hóa tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này; tập trung đào tạo, thu hút nguồn nhân; phát triển, bảo đảm hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ quản lý tiến tiến; tạo sự đồng lòng, thống nhất của cả hệ thống chính trị và toàn dân, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển các trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, trên tinh thần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng khẩn trương rà soát, nghiên cứu và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, khả thi, phù hợp với các nhóm chính sách tại Đề án, bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, nhất quán trong các mục tiêu, yêu cầu; tăng cường trao đổi, tiếp tục duy trì và mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực tài chính trong quá trình xây dựng, phát triển các dịch vụ, sản phẩm tài chính mới, xây dựng cơ chế, chính sách, ưu đãi vượt trội; chủ động bố trí ngân sách và huy động nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động của trung tâm tài chính.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương nghiêm túc, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã được giao theo Kế hoạch hành động đã được Chính phủ ban hành; nghiên cứu, triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về trung tâm tài chính theo phân công tại Kế hoạch hành động, trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.”

ttxvn-0410-thu-tuong-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-3-4.jpg
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn các đối tác trong nước và quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển trung tâm tài chính; đề xuất, tham vấn chính sách dựa trên kinh nghiệm của các trung tâm tài chính quốc tế đã được thành lập trên thế giới, nhất là các trung tâm có điều kiện tương đồng; hỗ trợ thu hút nguồn lực, kết nối các nhà đầu tư lớn, tiềm năng để tham gia vào trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Nhấn mạnh quan điểm "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi" và tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm,” Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm; là công việc của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, toàn dân, doanh nghiệp với sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Với phương châm “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được những thành công trong xây dựng và phát triển Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế, đóng góp cho sự phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

TB (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung tâm Tài chính quốc tế tạo động lực mới, đột phá cho phát triển