Đồng hành lập hồ sơ di sản thế giới

06/06/2021 18:22

Hải Dương đang nỗ lực cùng Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (trong đó có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai của tỉnh) là di sản thế giới.


Đền Kiếp Bạc dịp lễ hội

Hải Dương đang tích cực cùng với 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ khoa học đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (trong đó có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai của Hải Dương) là di sản thế giới.

Tích cực triển khai

Cuối tháng 1.2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam gửi báo cáo tóm tắt đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” thuộc ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị xem xét, đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.

Bản báo cáo này thay cho báo cáo tóm tắt quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang) đã được UNESCO đăng tải trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Di sản thế giới trước đây.

Sở dĩ có sự thay đổi này do 2 tỉnh đã triển khai lập hồ sơ di sản cho quần thể di tích và danh thắng Yên Tử từ năm 2013, nhưng đến năm 2015 khi đoàn tư vấn ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về di tích và di chỉ) của UNESCO tiến hành khảo sát thực địa đã đề nghị bổ sung thêm một số địa điểm, trong đó có khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc của Hải Dương.

Sau một thời gian gián đoạn, đến nay dù nhập cuộc muộn hơn nhưng Hải Dương đã nỗ lực phối hợp với các địa phương để đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thiện hồ sơ bằng tiếng Anh trình UNESCO xem xét, ghi vào danh mục di sản thế giới theo đúng quy định của Công ước di sản thế giới 1972.

Theo hồ sơ tóm tắt, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống với hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và khu di tích lịch sử nhà Trần (Quảng Ninh); khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Dương).

Đây là những địa điểm có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt, cũng là nơi ra đời, hình thành và phát triển trung tâm Phật giáo Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập.

Những giá trị to lớn

Nói đến Yên Tử là nói đến vùng “đất Phật”. Theo các nhà nghiên cứu sử, ngay từ thời Lý, với tinh thần trọng Phật, các ngôi chùa đã được xây dựng ở nhiều nơi nhưng phát triển thịnh vượng nhất phải kể đến thời Trần, khi vua Trần Nhân Tông chọn Yên Tử là nơi tu hành. Vua Trần đã cho xây dựng hàng trăm công trình để truyền kinh, giảng đạo và sáng lập nên dòng thiền phái Trúc Lâm (năm 1299) hội tụ đầy đủ tinh thần Phật giáo thuần Việt với tư tưởng gắn đạo với đời.

Trong vòng cung Đông Bắc những cơ sở thờ tự, tu thiền đầu tiên của dòng thiền Trúc Lâm gồm: Yên Tử, Ngọa Vân, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Vĩnh Nghiêm… thì khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai có vị trí quan trọng là cầu nối giữa kinh đô Thăng Long với Thánh địa Trúc Lâm Yên Tử. Từ đây, dòng thiền Trúc Lâm phát triển, lan tỏa rộng khắp. Đặc biệt, tên tuổi và thân thế hai vị tổ kế nghiệp là thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang tôn giả gắn liền với di tích chùa Thanh Mai, Côn Sơn.

Trong nghiên cứu của Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam thì hai di sản Trúc Lâm đáng quý ở Hải Dương là hệ thống di tích chùa Côn Sơn với dấu tích Đăng Minh bảo tháp chứa xá lị của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang và chùa Thanh Mai với văn bia Viên thông Tháp bi niên đại năm1362 nói về quá trình tu tập của Đệ nhị tổ Pháp Loa đã minh chứng rõ văn hóa Phật giáo thời Trần phát triển tại đây.

Chưa kể với hệ thống khoảng 20 di tích, hàng nghìn cổ vật thu thập được từ các cuộc khai quật khảo cổ ở khu vực Côn Sơn đã minh chứng vùng đất này gắn liền với ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Còn di tích Kiếp Bạc vốn là căn cứ quân sự, là nơi đã gắn liền với chiến thắng chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.

Đến nay, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt; bia đá chùa Thanh Mai cũng được công nhận là bảo vật quốc gia, khẳng định những giá trị to lớn và vai trò của các di tích sẽ đóng góp trong đợt lập hồ sơ này.

Dù việc hoàn thiện hồ sơ diễn ra trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 nhưng các đơn vị liên quan đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để khi cần thiết có thể cung cấp đầy đủ các chứng cứ, tư liệu nguyên gốc phục vụ cho quá trình làm hồ sơ.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sở đã giao các đơn vị liên quan rà soát các tư liệu theo sát tiêu chí mà giới chuyên môn đã tham mưu để thực hiện hồ sơ chi tiết. Nếu hồ sơ được thông qua thì đây sẽ là dấu mốc quan trọng khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, trong đó có Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai ở tầm cỡ thế giới và di tích sẽ ngày càng thu hút đông du khách.

Theo hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới 1972, các khu di sản văn hóa thế giới chỉ cần đáp ứng 1 trong 6 tiêu chí về văn hóa là đủ điều kiện được đưa vào danh mục. 4 tiêu chí đang được hướng tới để hoàn thiện hồ sơ là tiêu chí số 2, 3, 5 và 6. Trong đó, tập trung vào các yếu tố chứa đựng một minh chứng khác biệt về một truyền thống văn hóa, tín ngưỡng nổi bật... Những tiêu chí này được thể hiện qua hệ thống di tích dày đặc, bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng nghìn di vật cổ quý hiếm cùng những bản kinh văn chứa đựng giá trị tinh thần, tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa thời Đại Việt đang được bảo tồn và lưu giữ tại Hải Dương.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành lập hồ sơ di sản thế giới