Trong những mối quan hệ giữa con người với con người thì quan hệ đồng đội phải được xếp ngang với các mối quan hệ ruột rà, thân thích.
Trong những mối quan hệ giữa con người với con người thì quan hệ đồng đội phải được xếp ngang với các mối quan hệ ruột rà, thân thích. Trong các mối quan hệ của con người cùng có chữ “đồng”, như đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp…thì đồng ngũ, đồng đội là mối quan hệ gắn bó, cao đẹp và thiêng liêng nhất.
Đồng đội, không chỉ đơn thuần là tình nghĩa giữa con người với con người mà đó là những mối quan hệ của con người trong những điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt. Đó là hoàn cảnh của những con người có rất nhiều cái chung: chung một mục đích, lý tưởng (chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giành chiến thắng, hòa bình), chung một ước mơ (hòa bình, đoàn viên, hạnh phúc), chung sống từng ngày chia bùi, sẻ ngọt, chung gian lao, đạn bom, ác liệt…Nhiều người còn chung đến cả một phút một giờ hy sinh và chung một huyệt mộ...
Nhiều khi chỉ huy và chiến sĩ thực sự coi nhau như cha con, anh em ruột thịt. Trần Hưng Đạo nói: “Tướng với sĩ một lòng phụ tử" là vậy. Có tình nghĩa nào đẹp được như thế: "Tháng năm bạn cùng thôn xóm/ Nghỉ lại lưng đèo/Nằm trên dốc nắng/Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng/ Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa…” (Nhớ - Hồng Nguyên).
Mà trước đó họ không phải là ruột rà, thân thích, không phải là đồng hương, đồng quán…thậm chí còn cách nhau rất xa, tít tắp khắp mọi miền, mọi nẻo…Nhưng nhờ những điều chung ấy mà họ trở thành tri âm, tri kỷ hơn cả thân thích, ruột rà: “Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ…” (Đồng chí - Chính Hữu).
Họ thực sự gắn bó với nhau, nhường nhau, chia sẻ với nhau mọi nỗi buồn vui, gian khó. Đến cả những thứ vật chất nhỏ nhặt nhất như lưng cơm, viên thuốc, rồi cái kim, sợi chỉ, mụn vải vá tấm áo manh quần…cũng dành dụm phần nhau: "Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi/ Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá/ Miệng cười buốt giá/ Chân không giầy/ Thương nhau tay nắm lấy bàn tay…” (Đồng chí - Chính Hữu).
Họ là những người bạn chí thiết của nhau “Đêm hành quân cõng bạn vượt rừng” khi bạn bị ốm đau. Họ như những người mẹ chăm chút cho nhau tận tình hết mực, thậm chí khi cần còn tiếp cho nhau cả những dòng máu nóng “Bao tháng năm gian khổ chiến trường/ Người bị thương còn lấy thân mình che đạn bom cho bạn/ Một vết thương tiếp bao dòng máu nóng/ Có gì là riêng của ai đâu…”. Có lúc họ lại như những người thầy, uốn nắn cho bạn từng dòng, từng chữ viết “Đồng chí nứ vui vui/ Đồng chí nứ dạy tôi dăm tối chữ…” (Nhớ - Hồng Nguyên).
Những người bạn ấy, một đời lính của mình còn phải đối mặt với bao lần “Sinh ly, tử biệt”, phải bao nhiêu lần trong vai người cha, người mẹ, đứt ruột vuốt mắt cho đồng đội ra đi yên giấc ngàn thu. Còn có nỗi đau nào hơn những nỗi đau ấy “Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ” (Viếng bạn - Hoàng Lộc). Những chuyện ấy chỉ có ở những người đồng đội.
Đó là những điều dễ dàng cho ta hiểu: Tại sao hòa bình đã mấy chục năm rồi, mà vẫn còn những người đồng đội lòng không nguôi day dứt, đau đáu một nỗi chưa tìm ra mộ bạn, chưa đưa chút hài cốt bạn về được quê nhà… Rồi còn có nhiều người dù mình chẳng khỏe khoắn, chẳng dư dả gì mà vẫn vượt qua mọi khó khăn gian khó, thiếu thốn để ra đi lặn lội khắp các chiến trường xưa tìm cho được chút hài cốt đồng đội về nghĩa trang quê nhà: "Ngày trở về quay tìm đồng đội / Chút hài cốt anh em gói chặt đáy ba lô/ Lại đồng đội cõng trên lưng đồng đội/ Nghe ấm lòng những đêm lạnh, chiều mưa”. Và lại còn có những đồng đội thay bạn là liệt sĩ nuôi con bạn, mẹ bạn như chính con đẻ và mẹ của mình…
Đó cũng chính là sức mạnh cho quân ta chiến thắng quân thù.
Hình ảnh những người đồng chí, đồng đội ấy mãi mãi tươi đẹp như một tượng đài bất tử: "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/Đầu súng trăng treo…" (Đồng chí - Chính Hữu).
Tản văn của THANH THẢN