Sau 9 tháng, Masan dừng hoạt động 433 cửa hàng VinMart, VinMart+ kém hiệu quả song song với việc cải thiện biên lợi nhuận gộp để thực hiện mục tiêu đạt điểm hòa vốn vào quý IV.
Khu đô thị Sala tại quận 2, TP Hồ Chí Minh, nơi tọa lạc các dãy shophouse, biệt thự với giá lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trước đây chỉ có duy nhất một siêu thị là Queenland Mart. Siêu thị này tạm chuyển đổi thành VinMart sau thương vụ bán mình cho VinCommerce vào tháng 9.2019. Nhưng chưa đầy một năm sau ngày đổi tên, siêu thị duy nhất trong ‘khu nhà giàu’ quận 2 đóng cửa vĩnh viễn.
Đây là 1 trong 433 cửa hàng VinMart, VinMart+ dừng hoạt động từ đầu năm 2020. Từ khi tiếp quản hệ thống bán lẻ của Vingroup, ban lãnh đạo Masan đang quyết liệt đóng cửa những cửa hàng có hiệu quả kinh doanh thấp hơn yêu cầu. Mục tiêu của Masan không gì khác ngoài việc giảm lỗ, tiến gần đến điểm hòa vốn hơn.
Tăng tốc tinh gọn mạng lưới cửa hàng
Sau 9 tháng, 421 siêu thị mini VinMart+ và 12 siêu thị VinMart bị đóng cửa. Riêng trong quý III, hoạt động tối ưu hóa mạng lưới của VinCommerce được đẩy mạnh khi có đến 276 cửa hàng VinMart+ kém hiệu quả dừng hoạt động.
Hơn 80% số cửa hàng VinMart+ đóng cửa nằm ở TP.HCM và các thành phố cấp 2. Đây là những điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn gần 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn.
Ở chiều ngược lại, Masan chỉ mở mới 57 siêu thị mini VinMart+ và 1 siêu thị VinMart. Đến cuối tháng 9, VinCommerce có tổng cộng 2.646 điểm bán gồm 2.524 cửa hàng VinMart+ và 122 cửa hàng VinMart.
Trong quý III, VinCommerce thu về 7.864 tỷ đồng. Tổng doanh thu của chuỗi sau 9 tháng là 23.678 tỷ đồng. Masan cho biết doanh thu 9 tháng của hệ thống VinMart+ vẫn tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2019 dù hơn 400 cửa hàng đã đóng cửa. Các chỉ số như doanh thu/m2 và giá trị hóa đơn trung bình đều tăng trưởng dương.
Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của VinCommerce âm 221 tỷ trong quý III và âm 1.272 tỷ sau 3 quý. Biên EBITDA của VinCommerce quý III âm 2,8%, cải thiện đáng kể so với quý liền trước (âm 8,5%) và cùng kỳ 2019 (âm 6,6%). Ban điều hành công ty cho rằng VinCommerce có thể hòa vốn EBITDA trong quý IV.
Nguyên nhân giúp hệ thống bán lẻ của Masan giảm lỗ ngoài việc đóng cửa các siêu thị không hiệu quả còn do tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên. Công ty cho biết hoạt động tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đưa ra chính sách giá mới và và đàm phán lại điều khoản với nhà cung cấp là động lực giúp cải thiện biên lãi gộp. Song song đó, chi phí hoạt động cũng được tiết giảm.
Ngoài ra, doanh số nhãn hàng riêng tại hệ thống VinMart, VinMart+ đang tăng nhanh với tốc độ trên 10% trong quý III. Đây là một trong những ưu tiên của Masan với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp lên 20% doanh thu của toàn chuỗi trong dài hạn. Sản phẩm nhãn hàng riêng có biên lợi nhuận cao hơn so với sản phẩm nhập hàng từ nhà phân phối bên ngoài.
Thử nghiệm mô hình mới
TP Hà Nội nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung là thị trường VinCommerce đang dẫn đầu. Tại miền Bắc, hệ thống bán lẻ VinMart, VinMart+ không gặp phải sự cạnh tranh gay gắt như ở khu vực miền Nam, nơi có sự hiện diện với mật độ bao phủ lớn của các đối thủ Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op.
Masan cho biết khu vực Hà Nội đóng góp tới 48% tổng doanh thu của toàn hệ thống siêu thị VinMart. Tại thủ đô, biên EBITDA của VinMart là số dương. Với mô hình siêu thị mini VinMart+, Hà Nội và các thành phố cấp 1 (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) đóng góp 60% tổng doanh thu. Mức doanh số/m2 tại các thị trường này đã đạt điểm hòa vốn 7,5 triệu đồng/m2/tháng.
Tại khu vực TP.HCM, VinCommerce đang nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động. Mức tăng trưởng doanh thu/m2 và giá trị hóa đơn trung bình tại các siêu thị mini VinMart+ ở TP.HCM trong quý III cao hơn mức chung của hệ thống. Nhưng với các siêu thị VinMart ở TP Hồ Chí Minh, chỉ số này tăng trưởng âm.
Masan cho biết đã bắt đầu thử nghiệm mô hình cửa hàng VinMart+ với cách bày trí mới, ưu tiên cung cấp hàng tươi sống nhiều hơn từ tháng 8 với mục tiêu tìm ra công thức thành công tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Zing