Đồng bóng, bói toán - vấn đề bức xúc

14/04/2013 07:05

Các phủ, điện thờ, đi kèm với nó là đồng bóng, bói toán mê tín dị đoan đang tồn tại ở một số nơi trong tỉnh. Chính quyền cơ sở biết nhưng né tránh...



Rất đông người đổ về điện cô đồng Mùi ở Bình Giang để hành lễ ngày 10-4 (mồng 1-3 âm lịch)


Hoạt động công khai

Ngày 10-4 (mồng 1-3 âm lịch), có mặt tại đường dẫn vào điện thờ cô đồng Mùi ở làng Vạc, xã Thái Học (Bình Giang), chúng tôi thấy rất nhiều ô-tô, xe máy đậu ven đường, trong sân nhà dân. Một phụ nữ trung niên từ trong nhà bước ra đon đả: “Các em đến cô Mùi hả? Xe mang vào đây chị trông cho. Thế về điện cô để làm lễ hay xem bói? Đã hẹn cô trước chưa?”. Khi tôi bảo, đến xem bói và chưa hẹn, người phụ nữ bảo: “Hôm nay mồng 1 nếu đến làm lễ thì được, chứ xem bói thì phải mồng 5 cô mới thượng điện. Muốn cô xem phải gọi điện hẹn trước”. Chúng tôi hỏi những người đến làm lễ hôm nay là thế nào, người phụ nữ giải thích: “Đó là những người đã được cô xem và đang bị động mồ mả, có vong theo phải đến để giải”. Rồi người phụ nữ vào nhà lấy ra một tấm thiếp trên có chữ “Dịch vụ nghỉ trọ, trông giữ xe khách về lễ điện cô đồng Mùi - Lý Ngâm” đưa cho chúng tôi: “Đây em cầm thiếp này về, mồng 4 gọi điện trước để chị bảo với cô. Còn hôm nào đến cô, trước khi đi thì đặt tấm thiếp này lên bàn thờ khấn các cụ theo về địa chỉ trên”. Để chúng tôi tin tưởng, người phụ nữ khoe: “Cô đồng Mùi xem và làm phép linh nghiệm lắm, ô-tô kia toàn của khách từ Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh về”. Chúng tôi nói muốn vào thăm điện của cô, người phụ nữ dẫn đến đầu ngõ và chỉ vào chiếc cổng thiết kế lối đền chùa. Bước vào cổng, đập vào mắt chúng tôi là rất nhiều gian điện thờ cúng bày đầy hoa quả, bánh kẹo, xôi, gà. Ở một trong các điện, cô đồng Mùi cùng đệ tử giúp việc đang hành lễ. Trong điện và ngoài sân có hơn 30 người xì xụp khấn vái mỗi lần cô dừng đọc và gõ chuông. Một mâm lễ được chuyển dần ra phía ngoài, đến vị trí của ai thì người đó bỏ tiền lẻ lên đó rồi bưng mâm hướng về chính điện vái. Hỏi chuyện một vị khách ngồi bên, người này cho biết: “Tôi ở  Hưng Yên. Vừa rồi đến xem, cô bảo nhà có vong ám nên hôm nay đến làm lễ hóa giải”. Một người dân thôn Vạc cho biết, không chỉ mồng 1, ngày rằm mà ngày thường cũng có rất nhiều người đến điện cô đồng Mùi làm lễ. Có hôm ô-tô đậu kín đường làng gây trở ngại giao thông của người dân.

Theo giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm đến điện của cậu đồng Dung ở thôn Xuân An, xã Thanh Khê (Thanh Hà) để “soi” âm dương. Sau khi chỉ đường, chị Quyên, người xã Thanh Khê bảo: “Chẳng biết lời đồn đại cậu Dung xem hay thế nào, chứ chúng tôi ở đây thì chẳng ai tin. Những người đến xem toàn ở vùng khác”. Cậu đồng Dung là một phụ nữ ngoài 50 tuổi. Cậu này lập một điện thờ thần, thánh cô, thánh cậu… và làm chỗ soi âm dương cho khách. Lúc chúng tôi đến thấy, trong điện đang có hơn chục con nhang đợi soi. Sau khi thắp hương, làm lễ lên các ban, cậu đồng Dung vỗ tay để thánh nhập rồi ngồi xuống chiếc ghế tựa bắt đầu soi cho từng người. Một chị hỏi về đất đai và công việc cho cậu con trai được cậu phán: “Đất đai, nhà cửa tốt, nhưng cần phải làm lễ tạ cho chu đáo, về sắm 5 ngựa, 5 rồng, tiền vàng làm lễ hóa cho yên vị... Đứa lớn này tháng sau đi đứng phải cẩn thận, công việc đang trù tính còn khó khăn...”. Khi người phụ nữ hỏi về mẹ ruột mới mất năm ngoái, cậu đồng Dung liền lắc người rùng mình mấy lần rồi mắt lim rim, giọng nói chuyển thành người già: “Con ơi. Là mẹ đây”. Thấy vong mẹ nhập vào cậu, chị rối rít: “Lạy mẹ. Mẹ ở dưới đó có thiếu thốn gì không?”. Thay lời, cậu Dung trả lời: “Mẹ ở dưới này cũng yên rồi. Nhưng ngày giỗ thì nhớ hóa quần áo mới, tiền vàng để mẹ đi chùa...”.

Cá biệt có những địa phương, chỉ trong một làng, có tới ba, bốn trường hợp tổ chức các hoạt động bói toán như thôn Xuyên Hử, xã Đông Xuyên (Ninh Giang). Khi chúng tôi về tìm hiểu, được người dân kể tên vanh vách thầy Sóng, cô Danh, bà Nhài...  



Cậu Dung ở Thanh Khê (Thanh Hà) đang “soi” cho khách đến xem


Chính quyền cơ sở né tránh


Tình trạng mê tín dị đoan công khai hoạt động đã trở thành vấn đề nổi cộm trong cộng đồng dân cư. Chính quyền cơ sở hầu hết đều né tránh, chưa xử lý triệt để. Các cấp ngành chức năng cũng còn nhiều hạn chế trong việc nắm bắt, xử lý. Ông Phạm Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã Đông Xuyên (Ninh Giang) cho biết: “Việc có nhiều người hành nghề bói toán, đồng cốt ở thôn Xuyên Hử là có thật. Thế nhưng họ đều tổ chức hoạt động lén lút hoặc đi nơi khác hành nghề nên địa phương không quản lý được. Bản thân họ đa phần là người ít học, nhân dân địa phương không tin, chủ yếu người nơi khác tìm đến xem bói”. Khi được hỏi chính quyền xã đến nay đã có hoạt động giáo dục, xử lý trường hợp nào chưa thì được trả lời là “chưa”.

Ông Cao Đức Khảng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Khê (Thanh Hà) cho biết: Ngoài cơ sở của cậu đồng Dung, địa phương còn một vài điểm có hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khác. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ thuần túy tổ chức các hoạt động cúng tế, dâng sao giải hạn chứ không có chuyện hành nghề bói toán. Xã cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu những người này thực hiện tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật. Khi được phóng viên cho biết là có tình trạng xem bói thì ông này trả lời: "sẽ cho điều tra, xác minh để xử lý".

Ông Nguyễn Hữu Đông, Chánh thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Các hoạt động mê tín dị đoan đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên gần đây bị một số đối tượng lợi dụng hoạt động công khai khiến tình hình trở nên phức tạp, khó xử lý như đồng The (TP Hải Dương), thầy Thuyết (Thanh Hà)...

Một bộ phận khác coi đây là nghề kiếm sống, nên họ không từ thủ đoạn quảng bá thương hiệu thông qua đội ngũ con nhang, đệ tử. Đáng nói là từ hoạt động bói toán, mê tín đã để lại những hậu quả khó lường. Ngoài phần trách nhiệm của ngành văn hóa thì sự buông lỏng quản lý, né tránh của chính quyền cơ sở là nguyên nhân chính khiến tình trạng này tồn tại. Nếu chính quyền cơ sở kiên quyết xử lý thì mê tín dị đoan sẽ không có đất sống. Bên cạnh đó, các Phòng Văn hóa thông tin cấp huyện cũng lơi lỏng trong việc nắm những tụ điểm hoạt động bói toán, mê tín nổi cộm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư để tham mưu cho chính quyền cùng cấp, cơ quan cấp trên ra quyết định thanh tra xử lý.

Dù là trách nhiệm của ai thì mê tín dị đoan công khai hoạt động đang xâm hại trực tiếp đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh, sức khỏe và tài sản của nhân dân. Các cơ quan chức năng cần kiên quyết vào cuộc để chấm dứt tình trạng trên. 

NGỌC HÙNG

Điều 247 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bóng, bói toán - vấn đề bức xúc