Ở một số nơi, việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân còn mang tính hình thức.
Cuối tháng 9/2023, tôi được dự một cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu chính quyền huyện với người dân một xã. Không ít người dân tỏ ra ngán ngẩm với cuộc tiếp xúc, đối thoại này vì cả buổi tiếp xúc, đối thoại với trên 100 người dân, chỉ có 1 ý kiến tham gia.
Đáng nói là, địa phương nơi diễn ra cuộc tiếp xúc là xã có nhiều vấn đề bức xúc. Trước cuộc tiếp xúc, ban tổ chức đã thông tin rộng rãi đến các cơ quan, ban, ngành của địa phương về sự kiện này; gửi văn bản để tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp ý kiến, đề xuất với người đứng đầu chính quyền huyện những vấn đề quan tâm…
Cũng trong tháng 9, tại một đơn vị cấp huyện khác, người đứng đầu cấp ủy địa phương huyện này cũng có buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân một xã trên địa bàn. Tại buổi đối thoại, một số ý kiến được phản ánh với người đứng đầu cấp ủy nhưng đến phần trả lời, người đứng đầu trả lời vòng vo, không làm rõ ngay tại buổi đối thoại mà chuyển cho các bộ phận chuyên môn trả lời bằng văn bản. Khi cuộc tiếp xúc, đối thoại kết thúc, bên ngoài hội trường nhân dân lại trao đổi sôi nổi về những vấn đề mình nêu ra nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Có người còn cho rằng nhiều ý kiến của họ đã được phản ánh đi, phản ánh lại không chỉ ở các cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cả cấp xã, cấp huyện nhưng nhiều năm qua không được giải quyết dứt điểm, khiến họ chán nản. Cũng có người cho rằng cuộc tiếp xúc, đối thoại như thế chỉ mang tính hình thức.
Tiếp xúc, đối thoại là một diễn đàn quan trọng để trao đổi, thảo luận dân chủ, đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân. Đây là nội dung quan trọng để thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại để vừa lắng nghe, vừa giải đáp, giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân trong thẩm quyền.
Ngày 18/3/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Quy chế số 03-QC/TU về tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh. Hơn 2 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế số 03; tổ chức hàng trăm buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.
Thông qua tiếp xúc, đối thoại đã có nhiều kiến nghị được phản ánh trực tiếp đến người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã trực tiếp làm rõ, chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng.
Song thực tế, tại không ít địa phương, đơn vị trong tỉnh, hoạt động tiếp xúc, đối thoại vẫn còn mang tính hình thức. Có tình trạng người dân nói, cấp dưới phản ánh nhưng người đứng đầu chậm trả lời hoặc chậm giải quyết. Thậm chí có cơ quan, đơn vị, người đứng đầu đối thoại với cán bộ, nhân viên, người lao động nhưng suốt buổi đối thoại, cấp dưới chỉ tham gia ý kiến chung chung, khen ngợi. Những hạn chế, những bức xúc không được đề cập. Nguyên nhân bởi chính họ không muốn sau khi kiến nghị, phản ánh sẽ bị cấp trên “để ý”, trù dập…
Hơn nữa, việc tiếp xúc, đối thoại phải được thực hiện thường xuyên trong năm nhưng hiện nhiều nơi, việc này thường được tổ chức tập trung trong tháng 8 - 9. Chính vì vậy ở một số nơi xảy ra tình trạng nhiều vấn đề nổi cộm, phát sinh từ những ngày đầu năm, nhân dân muốn có ý kiến thì phải chờ đến kỳ tiếp xúc cử tri hoặc tiếp xúc, đối thoại…
Tiếp xúc, đối thoại chỉ thực sự hiệu quả khi đó là diễn đàn cho tiếng nói từ cơ sở gửi đến người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền chính, những người đại diện cho nhân dân, đảng viên. Cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị cần khẩn trương đổi mới, nâng cao hiệu quả của các cuộc tiếp xúc, đối thoại theo hướng thực chất, hiệu quả, quan tâm nắm bắt, giải quyết thực chất nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Cấp trên, cơ quan dân vận, mặt trận tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý chấn chỉnh các cuộc tiếp xúc, đối thoại qua loa, hình thức.
TRƯƠNG HÀ