Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình thì phải rập khuôn mô hình kinh tế, sao chép luật pháp, hệ thống giáo dục… của các nước phát triển.
Thực tế cho thấy, những đòi hỏi trên là vô lý và nguy hiểm. Bởi sự rập khuôn đó rất dễ dẫn đến những sự chuyển hóa về chất của cả thể chế chính trị, xã hội và con người của một quốc gia.
Nói về những đòi hỏi rập khuôn nêu trên xin được chỉ ra những ví dụ. Đầu tiên cần nhắc tới ý kiến đòi hỏi rập khuôn về mô hình tổ chức quyền lực nhà nước theo “tam quyền phân lập”. Những người yêu cầu rập khuôn mô hình nói trên cho rằng, chỉ có phân chia quyền lực nhà nước theo “tam quyền phân lập” thì mới kiểm soát được quyền lực, mới ngăn chặn được tham nhũng.
Ảnh minh họa
“Tam quyền phân lập” với tư cách là một học thuyết là sản phẩm của nền dân chủ phương Tây. Theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không được tập trung vào một người hay một cơ quan mà được cấu thành từ 3 quyền cơ bản: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ba quyền được giao cho 3 cơ quan khác nhau, có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập tương đối với nhau. Giữa 3 quyền này có sự kiểm soát, thậm chí có sự kiềm chế, đối trọng lẫn nhau.
Hiện nay, việc vận dụng học thuyết "tam quyền phân lập" vào tổ chức quyền lực nhà nước ở các nước tư sản khác nhau, bởi tổ chức quyền lực nhà nước về phương diện chính trị và kỹ thuật pháp lý phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: tương quan lực lượng giữa các giai cấp, nhất là trong nội bộ của giai cấp cầm quyền, đặc thù của cuộc đấu tranh giai cấp ở trong nước và trên trường quốc tế, tư tưởng lập hiến của những người đương thời...
Vì thế, không thể nói đơn giản rằng phân quyền theo mô hình của nước này thì tốt, còn theo mô hình của nước kia thì không tốt, theo mô hình này thì dân chủ, theo mô hình kia thì không có dân chủ. Trên thế giới tuyệt nhiên không có sự sao chép, rập khuôn máy móc mô hình tổ chức nhà nước của nước này cho nước kia. Những đòi hỏi cho rằng, tổ chức quyền lực nhà nước của nước này phải giống nước kia mới có dân chủ và quyền con người chỉ là sự nhầm tưởng của một số người.
Tại Việt Nam, mô hình tổ chức nhà nước theo Hiến pháp 2013 thì “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Những minh chứng trên thực tế đã cho thấy mặc dù không thực hiện “tam quyền phân lập” nhưng việc kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng có kết quả tích cực, các giá trị về dân chủ, quyền con người được Nhà nước ta thực hiện tốt, phù hợp với trình độ phát triển, được quốc tế công nhận.
Trong xã hội còn có những đòi hỏi cải cách thể chế để tăng tốc phát triển kinh tế. Có ý kiến cho rằng, phải áp dụng thể chế kinh tế của các nước phát triển thì Việt Nam mới thoát được bẫy thu nhập trung bình. Cũng để nhằm xây dựng thể chế phù hợp cho phát triển kinh tế, nhiều ý kiến lại cho rằng Việt Nam không cần vất vả trong xây dựng luật pháp, mà chỉ cần áp dụng các luật tiến bộ của các nước phương Tây...
Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, trước rất nhiều sức ép về chính trị, kinh tế, nếu mỗi quốc gia, mỗi dân tộc không tự định vị được giá trị, bản sắc của mình thì rất dễ bị "hòa tan". Một quốc gia có thể mất chủ quyền ngay cả khi chưa có tiếng súng xâm lược nào vang lên. Ấy là khi người dân của quốc gia, dân tộc đó không còn thực sự hiểu rõ về mình, về cội nguồn của mình. Cho nên, đối với những vấn đề phát triển của một quốc gia như xây dựng thể chế, tăng trưởng kinh tế, các giá trị của dân chủ, quyền con người... đều phải phù hợp với hệ giá trị mà quốc gia đó định hướng xây dựng. Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" tổ chức ngày 29.11 vừa qua tại Hà Nội là lời nhắc nhở, soi rọi ra các vấn đề của xã hội, để đất nước ta phát triển mà không đánh mất bản sắc của mình.
HỒ QUANG PHƯƠNG