Ngọc là lính mới. Bộ quân phục tân binh của anh vẫn còn in mờ mờ nếp gấp dù đã bắt đầu hăng hăng mùi nắng khét, mùi cỏ úa trộn cùng mùi mồ hôi thao trường.
Đêm miền sơn cước thật sâu và tĩnh lặng. Ánh trăng chênh chếch, mờ tỏ soi qua màn sương mỏng và lạnh, mở ra một không gian rợn ngợp và trống trải đến vô cùng. Những ngọn đồi huyền ảo phác họa mấy đường nét mảnh mai trên nền bức tranh đêm. Ngồi trên điểm gác, Ngọc như thu mình lại, căng tất cả các giác quan để tiếp nhận phiên gác đầu tiên trong đời bộ đội của mình. Cả núi đồi và dòng sông quanh co ôm lấy doanh trại cũng đang chìm trong giấc ngủ. Âm thanh nhẹ và mỏng của những giọt sương thỉnh thoảng rơi trên tàu lá chỉ càng khiến màn đêm thêm thanh vắng. Bỗng tiếng chim lợn éc éc như xé toạc vòm đêm từ mé đồi bên kia sông dội sang, khiến anh thon thót giật mình. Chẳng lẽ giờ lại gọi đồng đội dậy để cùng gác với mình! Ôi, chỉ có một giờ đồng hồ thôi mà sao phiên gác dài thế!...
Ngọc là lính mới. Bộ quân phục tân binh của anh vẫn còn in mờ mờ nếp gấp dù đã bắt đầu hăng hăng mùi nắng khét, mùi cỏ úa trộn cùng mùi mồ hôi thao trường. Ngọc là trai thành phố, trắng trẻo và thư sinh. Quen sống trong sự bao bọc của gia đình, đầy đủ và thoải mái nên bước vào môi trường quân ngũ, anh cảm thấy nhiều bỡ ngỡ, hụt hẫng và không kịp thích nghi. Cũng đúng thôi, khi người ta không có tâm thế chủ động đón nhận một điều gì đó thì sẽ cảm thấy rất khó khăn. Đã hơn một tuần trôi qua mà Ngọc vẫn chưa quen với nền nếp quân đội vốn phải ngăn nắp, chuẩn chỉ từ lời ăn tiếng nói, tác phong đến ứng xử với đồng đội. Nhiều lần, Ngọc bị chỉ huy đơn vị nhắc nhở về cái chăn không được gấp vuông vắn, đôi dép rọ để không đúng quy định hay đôi quân hàm không được cài ngay ngắn trên ve áo, ra sân tập thể dục muộn một phút so với tiếng kèn báo thức... Những chuyện nhỏ đó khiến Ngọc mặc cảm và chán nản. Nhưng càng nghĩ ngợi, Ngọc càng nhớ những lời dặn của bố lúc tiễn anh lên đường: “Bố rất tự hào về truyền thống bộ đội của gia đình mình, con ạ! Ông nội con khi đang là sinh viên bách khoa, đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu cho đến tận ngày giải phóng miền Nam. Rồi năm 1979, khi đang là viên chức ngành thương nghiệp của thành phố, bố cũng hăng hái tòng quân theo lời tổng động viên toàn quốc. Bố tin con sẽ được rèn luyện và học hỏi nhiều điều trong môi trường quân đội. Chúc con đi chân cứng đá mềm!”.
Trung đội tân binh của Ngọc gồm bốn mươi quân nhân, là những thanh niên ở nhiều vùng quê khác nhau. Đây là sự hội tụ từ thành phố đến nông thôn, từ miền rừng ra đến mạn biển. Mỗi anh chàng lính mới đều mang đến một sự khác nhau, từ giọng nói, thói quen sống đến nếp nghĩ, tính tình... Nhớ hôm vừa vào đơn vị, cái cậu Cường quê vùng biển, nhăn nhở trêu đùa Ngọc: “Con trai gì mà da trắng như trứng gà bóc vậy, trông yếu yếu là!... Lại còn cái tên như tên con gái nữa chứ!”, “Con gái là sao? Tớ là Tuấn Ngọc chứ không phải Bích Ngọc hay Diễm Ngọc, Ánh Ngọc đâu nhé!...”. Cường vẫn tưng tửng cùng ánh mắt tinh nghịch: “Ngọc gì chả là Ngọc! Nghe cứ ẻo lả làm sao ấy!”. Rồi lời qua tiếng lại trên hai cái giường cạnh nhau. Cả trung đội phải xúm lại khuyên ngăn, không thì suýt nữa xảy ra ẩu đả. Ngọc hậm hực, cố nghĩ cách trả đũa cho hả lòng. Hôm sau, giờ giải lao ngoài thao trường, Ngọc đánh mắt đến Cường, rồi bắt chước giọng nói vừa nặng vừa ngọng của người vùng biển “Ui! Con tâu tắng xuống uống lước kìa!...”. Thế là hai chàng lính mới lao vào nhau. Rồi cả hai phải chỉnh lại tác phong, ra đứng “đo bóng nắng” giữa trời nắng gắt. Anh trung đội trưởng nhìn Ngọc, nghiêm giọng: “Chửi cha không bằng pha tiếng. Chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt của nhau. Nhưng sự khác nhau ấy phải chấp hành theo sự thống nhất của điều lệnh đơn vị. Cùng là đồng chí, đồng đội tức là cùng vui cùng buồn, cùng tuổi thanh xuân quân ngũ. Vì vậy, phải biết đoàn kết, yêu thương và chia sẻ cùng nhau để hoàn thành nhiệm vụ! Các đồng chí phải ghi nhớ để thực hiện điều đó!...”.
*
Cường đặt bát cơm và tô canh xuống giường, khẽ kéo tấm chăn xanh đang trùm tận lên đầu Ngọc, thúc giục:
- Ngọc! Dậy ăn cơm để còn uống thuốc! Cậu Sơn vừa nãy xuống quân y xin cho rồi!
Ghé mắt sang, Ngọc nói như không ra hơi:
- Tớ mệt lắm! Không ăn đâu!
- Không được! Dù ở đây không có cháo gà, canh hầm nhưng vẫn phải cố gắng ăn cho nhanh khỏi. Tớ phải nói khó, anh nuôi mới cho mang bát đũa lên doanh trại đấy!
Vừa nói, Cường vừa nâng Ngọc dậy, nói: “Cơm, canh, thịt và đậu phụ còn nóng hôi hổi đây! Cậu ăn đi nhé! Ăn xong, cứ để bát đũa đây, lát tớ mang xuống nhà ăn cho. Giờ tớ phải đi chén đã!”.
Số là, do thể lực yếu cộng với chưa quen với nắng gió thao trường và việc đào hào khoét hầm vất vả nên nhập ngũ được nửa tháng, Ngọc lăn ra ốm. Đầu nặng, miệng khô, người thì đau mỏi và lúc nóng lúc lạnh. Cũng chỉ là cảm sốt nên không phải đi bệnh xá sư đoàn hay quân y viện nhưng anh cứ li bì, không cất mình lên được. Điều trị ở doanh trại, Ngọc được anh em đồng đội chăm sóc hằng ngày. Cậu Cường, cậu Tới ở hai giường hai bên, thỉnh thoảng lại kéo chăn đắp cho Ngọc những khi anh ngủ mê đạp chăn xuống dưới. Cậu Minh, cậu Hùng thì thay nhau đem chiếc khăn mặt ra dấp nước mát, rồi đặt lên trán Ngọc mỗi khi cần hạ sốt cho anh. Rồi đi lấy cơm nước, thuốc men về... Anh trung đội trưởng thỉnh thoảng tạt vào, sờ lên trán Ngọc: “A! Sắp khỏi rồi... Sắp khỏi rồi đây! Nhưng cậu phải cơm nước và uống thuốc đầy đủ nhé! Sức trai, ngại gì!...”.
Qua ba ngày, Ngọc đã cắt sốt và ăn đã thấy ngon miệng dù người vẫn còn bải hoải và đôi khi vẫn thấy chóng mặt váng đầu. Hôm ấy là chủ nhật. Đơn vị tổ chức công tác dân vận tại các làng xóm xung quanh, trong bán kính 10 km. Các anh chỉ huy dẫn từng tốp lính mới đến từng gia đình để giúp đỡ công việc nhà nông, như phát cỏ, chặt tre, xới vườn, khơi thông mương máng... Nằm một mình mãi ở trong phòng, Ngọc thấy buồn chán. Bỗng dưng anh cũng muốn đến với một gia đình nào đó, làm một việc gì đó, vừa để thay đổi không khí, vừa được như các đồng đội của mình. Thế rồi, Ngọc tha thẩn bước đi...
Ra khỏi cổng gác vệ binh, Ngọc men theo bờ sông, hướng về ngôi làng phía xa xa. Nắng lên, sương tan dần. Trước mắt anh mở ra một vùng quê trung du thanh bình, khoáng đạt và hữu tình với một bên là dòng sông quanh co uốn lượn giữa những ngọn đồi hình bát úp, một bên là những vạt ngô, ruộng sắn, ruộng khoai đang mơn mởn xanh non. Bỗng từ trong làng, một đàn bò chừng hai chục con, rầm rập chạy về phía anh, rồi ùa tràn xuống những thửa ruộng bậc thang. Vớ được đám ngô non, chúng vơ lấy vơ để. “Ơ, người chăn đâu, sao để bò phá hết ngô thế này!?”, Ngọc đang băn khoăn thì một người đàn bà hớt hải chạy đến. “Chú lính ơi! Chú đuổi giúp mấy con bò lên không người ta bắt đền thì chết!”, người đàn bà vừa hò hét vừa phân trần: “Khổ quá! Bãi chăn là ở vạt đồi ngược lên phía kia cơ! Nãy tôi lùa bò đi, thấy một con sắp đẻ, nên phải giữ nhốt lại. Bọn này sểnh ra có một thoáng mà chúng lao đi, phá như giặc cướp!...”. Đàn bò dạn người nên đuổi lên đầu này, chúng lại xuống đầu kia. Chỉ khi đã được thưởng thức nắm lá non và cũng là ngấm roi vọt, đàn bò mới bỏ lên, chạy về vạt đồi quen thuộc. Sau một thôi một hồi cùng hò hét và chạy ngược chạy xuôi, Ngọc thấy ù tai, hoa mắt chóng mặt, người vã mồ hôi. Anh bủn rủn chân tay, thở hổn hển nằm phịch xuống bãi cỏ rồi lả đi...
Ngọc tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên chiếc giường đơn trong ngôi nhà mái ngói xi măng, phía ngoài là chiếc ghế cao, trên mặt đặt cốc nước đường đã vơi lưng lửng. Anh định ngồi dậy thì người đàn ông từ bàn uống nước tiến lại: “Chú tỉnh rồi à? Lúc giữa buổi, nghe vợ tôi gọi. Tôi chạy ra cõng chú về đây. Chắc thể trạng chú bị suy kiệt. Giờ chú ăn chút cơm cho chóng lại sức. Xong rồi, cứ nghỉ cho khỏe rồi chiều hẵng về!”. Cơm ăn chỉ có quả trứng luộc dầm nước mắm, mấy miếng thịt kho và đĩa rau khoai lang luộc nhưng Ngọc thấy ngon quá. Khá lâu rồi, anh mới ăn bữa cơm ngon đến thế...
Ngọc về đơn vị khi mặt trời đã gác trên sườn đồi. Anh thon thót khi thấy trung đội trưởng đang đứng chống nạnh trước thềm, mặt hằm hằm nhìn anh như sắp trút bao giận dữ. “Đồng chí Tuấn Ngọc đi đâu về! Đồng chí bỏ doanh trại không báo cáo, không xin phép! Đồng chí có biết là giữa trưa, đơn vị phải báo động, tỏa đi khắp nơi tìm đồng chí không?”, “Báo cáo anh!... Em xin lỗi nhưng chuyện dài lắm ạ!...”.
Sau khi nghe Ngọc trình bày, khuôn mặt người chỉ huy mới dịu đi đôi chút. “Tôi sẽ cho xác minh sự việc. Nhưng dù sao, đồng chí vẫn vi phạm kỷ luật quân đội. Đồng chí ra đứng bên bảng tin đại đội để chờ hình thức kỷ luật!”. Rồi sau khi tìm hiểu và xem xét, đơn vị yêu cầu Ngọc viết kiểm điểm và kỷ luật anh ở mức thấp nhất, là nhắc nhở trước đại đội. Tối ấy, Cường nằm giường bên kể: “Ai cũng tưởng cậu đào ngũ, bỏ trốn về thành phố rồi! Anh đại đội trưởng đã cử người, định ăn cơm chiều xong sẽ về nhà cậu đấy!”. Ngọc ân hận: “Ôi, mình trông giống cái anh chàng đào ngũ lắm sao? Suýt chút nữa thì to chuyện nếu cái tin đào ngũ về đến gia đình và khu phố của mình...”.
Một chiều, khi đang múc nước tưới vườn rau của đơn vị, Ngọc thoáng thấy ở xóm nhỏ chênh chếch bên kia sông, một chú bé chừng ba tuổi, mải nô giỡn với đàn cún con mà không may lăn xuống dòng nước. Người trong nhà chắc đang mải việc nên không để ý. Vốn biết bơi từ ngày sinh hoạt ở cung văn hóa thể thao thanh thiếu niên của thành phố, Ngọc hô hét mọi người rồi lao vội xuống dòng sông. Mấy đồng đội của anh nghe thấy cũng hối hả theo. Bờ sông cao và dựng nên mấy anh lính phải loay hoay một lát mới bế cậu bé lên bờ. Lúc đó, người trong xóm mới đổ xô đến. Thật may, chú bé mới chỉ bị uống mấy ngụm nước, mặt tái mét và mếu máo khóc vì chưa hết hoảng loạn...
*
Đêm nay lại đến phiên gác của Ngọc. Ngày kia là kết thúc ba tháng huấn luyện tân binh, trung đội anh sẽ chia tay nhau, để biên chế về các đơn vị huấn luyện binh chủng mới. Giờ đây, Ngọc không còn là cậu học trò mảnh khảnh thư sinh nữa mà đã thành một người lính thực thụ, người chắc, da ngăm đen, tác phong nhanh nhẹn và thực hiện tốt kỹ thuật, chiến thuật của các bài huấn luyện tân binh. Khi sắp phải xa đơn vị này, Ngọc bỗng thấy mình gắn bó hơn với những buổi huấn luyện thao trường, với những giờ sinh hoạt văn nghệ, những trận bóng đá, bóng chuyền gắn kết tinh thần đồng chí. Hơn lúc nào hết, anh thấy những quả đồi, dòng sông bên doanh trại và những gương mặt đồng đội càng trở nên gần gũi, mến yêu hơn...
TRẦN VĂN LỢI