Trong lễ hội truyền thống của xứ Đông xưa, Hải Dương nay, việc chuẩn bị các lễ vật dâng lên đức Phật, các bậc thánh nhân, thành hoàng làng, tổ tiên... vẫn được coi là một trong những nghi lễ quan trọng và là nét đẹp văn hóa trong lễ hội của từng địa phương.
Nhiều lễ hội ở huyện Thanh Hà có lễ vật là đặc sản của địa phương(ảnh tư liệu)
Kỳ công chuẩn bị
Để chuẩn bị cho lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc diễn ra vào ngày 17 tháng giêng (một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc), Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã chuẩn bị đầy đủ vật phẩm dâng lên Phật Tổ để cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Đáng chú ý trong mâm cúng dâng lên Phật Tổ ở lễ tế này có 5 loại ngũ cốc gồm thóc, ngô, đậu, lạc, vừng. Thóc tượng trưng cho hành thổ, ngô tượng trưng cho hành kim, đậu tượng trưng cho hành hỏa, lạc tượng trưng cho hành mộc và vừng tượng trưng cho hành thủy.
Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc cho biết những vật phẩm dâng lễ tại lễ hội Côn Sơn-Kiếp Bạc được chuẩn bị chu đáo, công phu, thể hiện sự biết ơn sâu sắc và tấm lòng thành kính thiêng liêng. 5 loại ngũ cốc tại lễ tế trên núi Ngũ Nhạc luôn được tuyển chọn kỹ càng, bảo quản nghiêm ngặt trước khi dâng lên Phật Tổ.
Đình Ngọc Uyên ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) thờ hai danh tướng Lê Viết Hưng và Lê Viết Quang có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Lễ hội đình này diễn ra từ ngày 15-17 tháng giêng. Mâm lễ dâng lên các vị thành hoàng được chuẩn bị tỉ mỉ, kỳ công. Ông Vũ Văn Vui, thủ từ đình Ngọc Uyên cho biết trong lễ vật dâng thánh tại lễ hội bao giờ cũng có đầy đủ ông lợn, xôi nén, hoa quả. Đặc biệt, lợn tế được chuẩn bị rất cầu kỳ. Người được chọn nuôi lợn phải mát tay, gia đình êm ấm, có uy tín, được nhiều người tôn trọng. Từ lúc bắt đầu cho lợn nhập chuồng đến khi đem tế thánh phải gọi là ông lợn. Lợn được nuôi ở chuồng riêng, được chăm sóc, tắm rửa thường xuyên. Lợn phải nặng từ 70 kg trở lên mới được đem làm lễ. Khi đưa vào tế, lợn để nguyên con nằm úp trên bàn, toàn thân bôi tiết cho da hồng. “Ngày nay do người dân ở đây không có chỗ để tự nuôi lợn tế thánh như xưa nên phải về các vùng quê thuê người nuôi. Dù đi thuê nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên giám sát người nuôi để họ bảo đảm tiêu chí nêu trên", ông Vui nói.
Lễ hội đền - đình Sượt (phường Thanh Bình, TP Hải Dương) diễn ra vào mùng 10.3 âm lịch hằng năm. Trong mâm lễ dâng lên Đại vương Vũ Hựu không thể thiếu đặc sản Hồng tửu (Hoàng tửu), một loại rượu đặc biệt được nấu để dâng thánh. Hồng tửu được nấu rất kỳ công. Trước khi nấu, các giáp trưởng phải làm lễ trình thánh, xin âm dương, xin được thì mới làm. Nguyên liệu để nấu phải là nếp cái hoa vàng tuyển chọn. Theo ông Trần Xuân Thịnh, đại diện Ban Quản lý di tích đền Sượt, nước đồ xôi để làm rượu Hồng tửu phải là nước mưa. Khi đồ xong thì đổ xôi ra nia để nguội, rồi ủ với một loại men đặc biệt thành rượu. Đến mùng 9.3 âm lịch, người nấu sẽ lọc bằng giấy bản rồi đem chưng lên, đóng vào chóe gốm, cất kín trong cung đến mùng 10.3 mang ra làm lễ dâng ngài.
Nét đẹp văn hóa
Hải Dương có hàng trăm lễ hội dân gian được tổ chức trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Lễ hội diễn ra vào mùa xuân chiếm số lượng nhiều hơn cả. Ở mỗi lễ hội đều có những nét đặc sắc riêng. Trong đó mâm lễ cúng là một trong những nét độc đáo thể hiện tấm lòng của người dân dâng lên tổ tiên.
Năm nay, thực hiện chủ trương thích ứng linh hoạt và chỉ đạo của tỉnh, nhiều lễ hội xuân không có phần hội nhưng các nghi lễ vẫn được tổ chức phù hợp với tín ngưỡng, phong tục tập quán của từng địa phương. Trong các nghi lễ này thì các vật phẩm dâng cúng vẫn được duy trì và thực hiện công phu, thể hiện nét đẹp văn hóa của lễ hội dân gian.
Đại diện Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết mâm cúng trong các lễ hội không chỉ thể hiện lòng thành của con cháu mà còn chứng minh cho sự phong phú, sung túc của mảnh đất xứ Đông với nhiều đặc sản nổi tiếng. Như trong lễ hội đền Tranh (Ninh Giang), trên mâm lễ bao giờ cũng có bánh gai. Lễ hội đền Quát (Gia Lộc) diễn ra dịp đầu xuân trong mâm lễ có tới 12 sản vật, trong đó phải có cá chép. Lễ hội chùa Bạch Hào (Thanh Hà) được tổ chức vào mùng 5 và 6 tháng giêng hằng năm, trong mâm lễ luôn có các loại hoa quả được bày theo các tích khác nhau, tạo nên các thế vừa uy nghiêm, vừa đẹp mắt như quần long tụ hội, hạc ngậm phong thư…
Với tâm niệm lễ vật dâng cúng linh thiêng nên tất cả những người được phân công chuẩn bị mâm lễ đều được lựa chọn cẩn thận và phải tuân thủ các quy định riêng của từng lễ hội. Các lễ vật dâng cúng ngoài minh chứng cho tấm lòng thành kính, uống nước nhớ nguồn, còn thể hiện ước vọng của nhân dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
HẢI MINH