Đình Đồng Quan Nội ở xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn) còn là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của địa phương.
Đao góc đình Đồng Quan Nội
Kiến trúc độc đáo
Xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) theo nghệ thuật kiến trúc truyền thống, trải qua hơn 300 năm với nhiều lần tu sửa, đình Đồng Quan Nội vẫn lưu giữ được vẻ đẹp cổ kính.
Đình Đồng Quan Nội tọa lạc tại trung tâm thôn trên một khuôn viên thoáng đãng, rộng khoảng 2.500 m2 theo hướng đông nam. Bên ngoài ngôi đình được xây dựng theo thuật phong thủy cổ của người xưa. Phía trước di tích có cây đa cổ thụ, bên trái là hồ nước rộng tụ thủy với mong muốn nhân dân sẽ được hưởng thịnh vượng, đủ đầy.
Theo ngọc phả, đình Đồng Quan Nội thờ bốn vị thành hoàng có công đánh giặc cứu nước. Vào thời tiền Lý (544 - 602), tại khu Nội, trang Đồng Quan, huyện Hiệp Sơn có gia đình họ Lê gia cảnh nghèo khó mà nhân đức. Sau khi đi cầu lễ chùa thiêng, hai vợ chồng sinh được một người con trai khỏe mạnh, tuấn tú, đặt tên là Thiên Ân. Trưởng thành, Thiên Ân nổi tiếng tài giỏi cả văn lẫn võ. Gặp thời nước nhà có giặc Ma Na quấy nhiễu, Thiên Ân hưởng ứng lời hiệu triệu của vua, tổ chức quân sĩ đánh tan quân giặc. Thắng trận, ông được triều đình phong tặng: Thiên Ân đại tướng quân. Một thời gian sau, trên đường từ kinh thành trở về, Thiên Ân đột ngột hóa (mất) tại khu Nội. Ông được triều đình truy phong: Bản cảnh thành hoàng Thiên Ân ứng cảm thánh đức uy hùng thượng đẳng phúc thần đại vương.
Sau khi Thiên Ân mất, theo lệnh nhà vua, ba vị đình thần có tên: Lượng, Hồng, Chí về khu Nội tổ chức mai táng và lập miếu thờ Thiên Ân. Khi công việc hoàn thành, cả ba vị đình thần đều hóa tại bản trang.
Các triều đại phong kiến đều ban sắc phong cho Thiên Ân và ba vị đình thần và giao cho nhân dân trang Nội thờ tự.
Đình có quy mô rộng lớn, kiến trúc hình chữ nhị gồm hai tòa đại bái và hậu cung. Văn bia tại di tích ghi nhận, ngôi đình được trùng tu 7 đợt lớn, nhỏ, diễn ra từ năm Cảnh Hưng 13 (1752) đến năm Thành Thái 13 (1901) với sự góp công, của, tiền, ruộng của các bậc hương lão, quan viên và nhân dân trong thôn, xã. Trải qua nhiều đợt tu sửa, đến nay đình Đồng Quan Nội còn lưu giữ kỹ thuật, nghệ thuật chạm lộng và kênh bong đạt trình độ tinh xảo, bố cục hài hòa, thể hiện bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa. Mái đình có bức phù điêu với hình tượng đôi rồng chầu mặt trời đẹp mắt.
Vượt lên mọi biến cố tự nhiên và xã hội, đến nay đình Đồng Quan Nội vẫn bảo lưu được khá nhiều cổ vật có giá trị. Tiêu biểu là pho tượng thành hoàng Thiên Ân, niên đại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX), chất liệu gỗ tạc ở tư thế ngồi trong ngai, dáng vẻ uy nghi, cương nghị. Toàn thân tượng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra, di tích còn 1 nhang án gỗ, 1 khám mui luyện, 10 tấm bia đá tạo dựng từ thời hậu Lê đến thời Nguyễn, 8 đạo sắc phong vào các năm Tự Đức 6 (1853), Tự Đức 33 (1880), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1904) và Khải Định 9 (1924).
Hệ thống sắc phong thời Nguyễn phong cho bốn vị thành hoàng
Địa chỉ đỏ
Đình Đồng Quan Nội từ xưa đến nay không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, một “địa chỉ đỏ” quan trọng. Tháng 9.1945, đình là nơi tập kết lực lượng quần chúng cách mạng của 5 thôn: Đồng Quan Nội, Đồng Quang Bến, Xạ Sơn, Đồng Đường và Trung Hòa tổ chức mít tinh giành chính quyền dân chủ nhân dân, thành lập ủy ban hành chính lâm thời xã Quang Trung. Tại đây, cuối năm 1945 còn là nơi huấn luyện đội thanh niên quyết tử tham gia đệ tứ chiến khu Đông Triều và phong trào Nam Tiến. Đến tháng 2.1952, ngôi đình là nơi bộ đội địa phương và dân quân du kích chọn làm cơ sở bám dân tiêu diệt địch, phá tề diệt ác. Từ năm 1965 đến 1973, đơn vị Trung đoàn 2 (Quân khu 3) sơ tán về thôn Đồng Quan đã chọn đình làm trụ sở chỉ huy. Các năm 1973 -1975, đình được trưng dụng làm kho công nghệ thực phẩm phục vụ quân đội, kho đựng thóc của UBND huyện Kinh Môn.
Bức cốn chạm long ngư hý thủy tại tòa đại bái
Lễ hội đình
Hằng năm, lễ hội truyền thống của đình Đồng Quan Nội được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng 3 âm lịch. Với ý nghĩa tôn vinh người có công với đất nước, từ xa xưa người Đồng Quan đã truyền nhau kiêng không đặt tên người và sự vật liên quan tới chữ húy của các vị thành hoàng như Hồng, Lượng, Thiên, Ân. Trong trường hợp đặc biệt phải nói chệch đi từ khác như quả hồng thành quả hường. Trước khi diễn ra lễ hội, dân làng phải cử người mang lễ vật ra miếu làm lễ. Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu từ đình theo đường nghinh thần về hướng nam rồi vòng về hướng tây và trở về hướng bắc - nơi có miếu Song thân thờ thân phụ, thân mẫu của thành hoàng Thiên Ân. Việc làm trên của dân làng mang ý nghĩa là đưa “con” đến bái yết “cha, mẹ”. Ngoài các hoạt động tế lễ, hội còn diễn ra nhiều trò vui bắt vịt, kéo co, chọi gà, hát chèo, tuồng.
Với giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, từ năm 1999, đình Đồng Quan Nội đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
NHẬT HỮU