Doanh nghiệp vận tải khó chồng khó

27/08/2020 18:12

Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại.


Từng dãy dài xe buýt nằm im lìm tại bãi đỗ xe tĩnh phía tây TP Hải Dương 

Vừa hoạt động ổn định trở lại không lâu, các doanh nghiệp (DN) vận tải một lần nữa phải đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19 quay trở lại với diễn biến phức tạp hơn.

Chưa kịp hồi sức

Năm 2018, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường (Công ty Nam Việt Cường) đầu tư gần 12 tỷ đồng để mua 9 xe buýt mới. DN phải vay ngân hàng lên tới gần 10 tỷ đồng. Sau 2 năm hoạt động khá hiệu quả, doanh nghiệp đang chuẩn bị có lợi nhuận thì dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến công việc kinh doanh.

Còn nhớ như in chuỗi ngày dài vắng khách trên mỗi chuyến xe buýt chạy từ bến xe Hải Tân (TP Hải Dương) về huyện Thanh Hà, ông Nguyễn Quý Cường, Giám đốc Công ty Nam Việt Cường nói: “Khi dịch Covid-19 đợt trước tạm lắng, các DN kinh doanh vận tải hành khách bắt đầu được hoạt động trở lại. Thế nhưng do tâm lý lo ngại dịch bệnh của người dân nên lượng khách đi xe vẫn giảm sâu, nhiều chuyến có xe không được quá 5người. Trong khi đó, đặc thù của ngành vận tải hành khách quy định xe không có khách vẫn phải đi theo đúng lộ trình”.      

Chưa tìm được cách kéo lại doanh thu do ảnh hưởng của đợt dịch trước, Công ty Nam Việt Cường cùng hàng loạt DN vận tải hành khách bằng xe buýt khác lại tiếp tục phải đối mặt với “cơn bão" Covid-19 lần 2. Đợt dịch này diễn biến phức tạp và khó lường hơn khi chỉ trong một thời gian ngắn, TP Hải Dương đã xuất hiện những ổ dịch mới. Để phòng chống dịch bệnh lây lan, ngày 14.8, Sở Giao thông vận tải yêu cầu tạm dừng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn TP Hải Dương. Kể từ đó, những chiếc xe buýt phải nằm im trong bến, kéo theo đó là hàng trăm lái xe, nhân viên phục vụ không có việc làm, thu nhập. 

Dịch bệnh tiếp tục bùng phát cũng làm cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ taxi lao đao. Ông Phạm Văn Quân, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương cho biết trong tổng số 240 xe của hãng thì có đến 135 xe chạy trên địa bàn TP Hải Dương phải dừng hoạt động. “Dù không hoạt động nhưng mỗi ngày, 135 chiếc xe taxi này vẫn tiêu tốn cả triệu đồng chi phí các loại. Doanh thu từ những xe taxi còn lại hoạt động tại những địa phương khác trong tỉnh cũng sụt giảm do người dân hạn chế sử dụng dịch vụ công cộng vì lo ngại dịch bệnh”, ông Quân nói.

Hỗ trợ thế nào?

Nhiều DN vận tải nhận định thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể sẽ kéo dài thêm từ 3-5 tháng sau khi được hoạt động trở lại. Đại diện Công ty TNHH Triệu Phố cho biết khi đợt dịch này qua đi, các DN vận tải hành khách dù hoạt động trở lại nhưng tâm lý lo ngại dịch bệnh của người dân vẫn kéo tụt lượng khách đi xe. Điều này đã từng xảy ra từ ảnh hưởng của đợt dịch trước và chắc chắn sẽ lặp lại trong thời gian tới. Vì thế cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn trước mắt. 

Chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) cho biết: "Một số bệnh nhân Covid-19 trong tỉnh gần đây có đi xe buýt nên tâm lý lo lắng, e ngại khi sử dụng dịch vụ này của người dân là điều không tránh khỏi. Từ đợt dịch trước tôi đã rất hạn chế di chuyển bằng xe buýt và xe khách tuyến cố định vì nhiều hành khách vẫn rất chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch".

Đợt dịch thứ hai khiến tương lai các DN vận tải càng thêm mịt mờ, nhất là các DN nhỏ. Trong khi chờ tiếp cận các gói hỗ trợ thì nhiều DN vẫn phải loay hoay để trả nợ cả gốc lẫn lãi, bởi đa phần DN vận tải đều có xe thế chấp ở ngân hàng. 

Một lần nữa, những đề nghị của các DN vận tải liên quan đến chính sách về thuế, phí, lệ phí; chế độ đối với người lao động; hỗ trợ giãn hoặc miễn giảm thuế, duy trì cho vay; miễn, giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ... tiếp tục là những đề nghị chính đáng cần được Nhà nước và tỉnh xem xét. Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất dành cho các DN vận tải hành khách bằng xe buýt theo đề án "Nâng cao chất lượng vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020" cần sớm tới tay DN.

Mặt khác, hoạt động vận tải chỉ là một trong những ngành nghề kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 nên bản thân các DN cũng cần chủ động, không thể chỉ trông chờ chính sách hỗ trợ. Các DN vận tải cần có các phương án khắc phục khó khăn, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh để người dân có thể yên tâm sử dụng dịch vụ khi được tỉnh cho phép hoạt động trở lại.

HÀ KIÊN - ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp vận tải khó chồng khó