Giao thông - Đô thị

Xe chở "gió", doanh nghiệp vận tải chưa hết lao đao

HÀ NGA 22/10/2023 15:00

Sau dịch Covid-19, cùng với giá nhiên liệu liên tục biến động, áp lực cạnh tranh đã khiến cho hoạt động vận tải hành khách đối mặt với nhiều khó khăn.

2f3130011606c1589817116e30cf152bbc6930719cb74c700387.jpg
Toàn tỉnh có khoảng 170 xe buýt

Vắng khách

Dịch Covid-19 đã đi qua nhưng Công ty TNHH Huy Hoàng, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, ở thị trấn Gia Lộc chưa thể hoạt động trở lại với 100% công suất. Ông Nguyễn Công Tới, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp vận tải hành khách với các tuyến buýt chạy nội tỉnh TP Hải Dương – Ninh Giang, liên tỉnh TP Hải Dương – Thái Bình và ngược lại. Thời điểm dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, xe buýt phải dừng hoạt động. Khi dịch Covid-19 đi qua, xe buýt được hoạt động trở lại thì lại rơi vào cảnh vắng khách. Có những chuyến xe xuất bến mà không có nổi một hành khách, đi quãng đường dài chỉ chở... "gió". Khách vắng rồi giá dầu liên tục “nhảy múa” lại càng khiến doanh nghiệp rơi vào thế bí.

Công ty TNHH Huy Hoàng hiện có 27 xe nhưng chỉ có 15 xe chạy, 12 xe vẫn phải đỗ ở xưởng. Trước đây, tần suất xe chạy từ 12-15 phút/chuyến nhưng vì lượng khách ít nên đã giảm tần suất chạy, hiện còn từ 15-17 phút/chuyến. Ông Tới cho biết giá dầu ở mức dưới 20.000 đồng/lít thì doanh nghiệp mới có lãi, trong khi giá dầu hiện vẫn ở mức 22.000-23.000 đồng/lít.

Không chỉ xe buýt, nhiều hãng taxi cũng vẫn đối mặt với khó khăn. Ông Đoàn Văn Oanh, Thanh tra Taxi Rạng Đông cho biết trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp vận tải cũng không ngoại lệ. Taxi ngày càng cạnh tranh khốc liệt, không chỉ cạnh tranh giữa các hãng taxi với nhau mà còn phải cạnh tranh với các xe hợp đồng hoạt động trá hình, xe “dù”. Taxi Rạng Đông Hải Dương hiện có hơn 20 xe. Mỗi ngày có 3 ca kinh doanh. Trước đây, trung bình mỗi ca kinh doanh có từ 200-300 "cuốc" xe. Bây giờ trung bình mỗi ca chỉ còn hơn 100 "cuốc". Thậm chí có những ca kinh doanh chỉ có hơn 40 "cuốc". Ông Oanh cho biết thêm, trước đây lượng khách đặt xe trong khung từ 23 giờ đến 6 giờ 30 sáng khá nhiều, song từ khi các quán karaoke dừng hoạt động, lượng khách giảm rõ rệt.

Lượng khách sụt giảm, doanh thu ít, nhiều doanh nghiệp không cầm cự được trong giai đoạn khó khăn đành xin ngừng khai thác, giảm tần xuất chạy xe.

Vì sao?

Theo Sở Giao thông vận tải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong hoạt động vận tải hành khách bằng taxi, tuyến cố định, xe buýt. Sau đợt dịch Covid-19, nhiều người đã thay đổi thói quen đi lại, sử dụng loại hình khác thay thế nên lượng khách đi xe buýt, xe tuyến cố định giảm. Số phương tiện cá nhân tăng nhanh cũng là một nguyên nhân làm giảm số khách đi xe buýt, xe tuyến cố định. Năm 2018, toàn tỉnh có 65.000 xe ô tô cá nhân. Sau 5 năm, con số này tăng lên tới 108.000 phương tiện. Với những cự ly trên 500 km, thay vì đi xe đường dài tuyến cố định như trước, nhiều người chọn đi bằng đường hàng không. Trước đây, công nhân đi làm bằng xe buýt khá nhiều nhưng nay các khu, cụm công nghiệp, công ty, xí nghiệp đã chuyển dịch về các huyện, nhiều lao động dễ dàng đi làm bằng xe máy. Nhiều đơn vị tự bố trí ô tô để đưa đón công nhân nên khách đi xe buýt giảm.

a18897aa84ad53f30abc18c4f8a7eabaf289cbe56e763bb709a2.jpg
Đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt phải tự cân đối chi phí

Thực tế, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt chưa đủ mạnh, chủ yếu hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Đơn vị kinh doanh vận tải tự cân đối chi phí, chất lượng, các dịch vụ đi kèm bị hạn chế. Các tuyến buýt chủ yếu hoạt động trên một số tuyến đường đô thị lớn, tuyến phố tập trung dân cư nên khó thúc đẩy người dân đi xe buýt, nhất là những người ở xa bến.

Hiện nay các bến xe khách được quy hoạch ra xa trung tâm trong khi phương tiện trung chuyển chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều tuyến phải điều chuyển, phân luồng ra khỏi bến xe nội đô, người dân phải đi nhiều chặng dẫn đến chi phí tăng cao.

Một nguyên nhân nữa gây khó khăn đối với vận tải hành khách là cuộc cạnh tranh khốc liệt và không công bằng với các phương tiện vận chuyển hợp đồng hoạt động trá hình. Thống kê sơ bộ toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 xe dù, xe ghép dưới 9 chỗ ngồi hoạt động trá hình đưa đón khách từ Hải Dương đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Theo anh Phạm Thành Giang, Bến trưởng Bến xe khách Hải Tân (TP Hải Dương), các loại xe dù, xe ghép, xe tiện chuyến không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống có sự quản lý của nhà nước. Các phương tiện này cũng được đầu tư hơn so với các phương tiện kinh doanh vận tải truyền thống nên được nhiều khách hàng lựa chọn. Với các dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến, người dân được phục vụ đưa đón tại nhà nên càng ngại tập trung đến bến xe, bãi đỗ xe hoặc điểm dừng đón khách cố định trên các tuyến.

Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 320 xe vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh, 450 xe taxi và 170 xe buýt. 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 17 tuyến vận tải hành khách cố định xin ngừng khai thác, 6 tuyến vận tải hành khách cố định xin giảm tần suất chạy xe. Trong đó có 2 tuyến buýt nội tỉnh ngừng khai thác gồm tuyến xe buýt liên tỉnh số 207 (Hải Tân - Uông Bí) và tuyến xe buýt nội tỉnh 01 (Hải Dương - Thanh Hà).

HÀ NGA
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xe chở "gió", doanh nghiệp vận tải chưa hết lao đao