Sau gần 1 năm triển khai, Dự án khu dân cư mới ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Khu đất thực hiện dự án KDC mới xã Đoàn Tùng
Người dân cho rằng giá đền bù thấp
Bà Đào Thị Hoa ở thôn Phạm Lâm có 1,4 sào đất ruộng ở khu vực thuộc dự án. Theo quy định của UBND tỉnh, đất nông nghiệp ở khu vực này được đền bù 75,6 triệu đồng/sào nhưng bà Hoa cho rằng mức đền bù này là quá thấp. "Đây là dự án đất thương mại chứ không phải dự án phúc lợi nên chúng tôi không chấp nhận giá đền bù này. Hơn nữa, chúng tôi chủ yếu sống bằng nông nghiệp, không có nghề phụ nên với giá đền bù này chúng tôi khó ổn định được cuộc sống", bà Hoa nói.
Cũng như bà Hoa, một số hộ dân khác có đất trong dự án kiên quyết không nhận tiền đền bù vì cho rằng giá đền bù thấp. Các hộ chưa nhận tiền cho rằng giá đền bù đất phải do chủ đầu tư và người dân tự thỏa thuận, không cần qua chính quyền. Hơn 40 hộ dân có đất thuộc dự án đã viết đơn kiến nghị gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đòi tăng mức hỗ trợ.
Ông Nguyễn Viết Hà, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng cho biết một số hộ dân không nhận tiền đền bù đã ra xã yêu cầu chính quyền trả lại đất sản xuất. Đối với các trường hợp này, xã sẽ cấp lại đất sản xuất cho các hộ tại vị trí đằng sau dự án. Khu vực này cũng rất thuận lợi cho việc canh tác, nhưng các hộ lại không nhận ruộng.
"Dự án khu dân cư mới sẽ góp phần quan trọng để Đoàn Tùng phấn đấu lên đô thị loại V vào năm 2020. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm sẽ làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do vậy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã tổ chức phân loại đối tượng và tích cực vận động, tuyên truyền để các hộ sớm nhận tiền đền bù theo đúng quy định của pháp luật", ông Hà cho biết thêm.
Chính quyền thực hiện đúng quy định
Dự án KDC mới xã Đoàn Tùng được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016 với diện tích 9,7 ha ở xứ Cây Sòi và Đồng Đậu. Cuối tháng 9.2017, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư DVS Việt Nam (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho GPMB gần 20 tỷ đồng. Đến nay, mới có khoảng 100 hộ dân nhận tiền đền bù. Diện tích đã GPMB được chiếm hơn 70%. Hiện vẫn còn hơn 40 hộ chưa chấp nhận mức giá đền bù nên chưa nhận tiền.
Theo ông Chu Quang Vịnh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư DVS Việt Nam, lúc đầu dự kiến việc GPMB sẽ thực hiện xong trong vòng 2-3 tháng thế nhưng đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa xong. Việc GPMB chậm gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả đầu tư.
"Thời gian tới, công ty sẽ cho san lấp mặt bằng phần diện tích người dân đã nhận tiền đền bù để triển khai xây dựng hạ tầng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án cũng như bảo đảm lợi ích cho địa phương và chủ đầu tư, đề nghị các cấp chính quyền vào cuộc tích cực hơn nữa để vận động, tuyên truyền các hộ dân còn lại tiền đền bù, bàn giao mặt bằng sạch cho dự án", ông Vịnh nói.
Ông Bùi Hữu Tiếp, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, Trưởng Ban GPMB dự án cho biết: Việc triển khai dự án được thực hiện theo đúng quy định. Một số hộ dân có đất trong dự án chưa hiểu hết và cho rằng toàn bộ diện tích đất đều được phân lô đất ở để bán, nhưng thực tế không phải như vậy. Trong tổng diện tích dự án là 9,7 ha chỉ có hơn 30% đất ở, còn lại là đất dành để xây dựng các công trình công cộng, đường xá, cây xanh... Lãnh đạo UBND huyện đã nhiều lần tiếp xúc đối thoại với các hộ dân để giải quyết vướng mắc. Áp dụng theo quy định của UBND tỉnh, các hộ dân đã được hưởng mức giá đền bù cao nhất. UBND huyện và các ban ngành đoàn thể ở xã vẫn đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân để người dân hiểu rõ được mục đích, giá trị của dự án.
TRẦN HIỀN