Lượt khách mua bán vàng miếng, nhẫn trơn tại một số thương hiệu lớn nhộn nhịp trong ngày giá liên tiếp phá đỉnh.
Ngày 9/5, giá vàng miếng tăng 2 triệu đồng và xác lập kỷ lục 89,5 triệu.
Tại Hà Nội, lúc 16 giờ, nhiều cửa hàng kín khách chờ, dù trời mưa tầm tã. "Anh có giấy hẹn không? Nếu anh tới mua vàng thì mai quay lại, cửa hàng đã hết hàng", nhân viên bảo vệ một tiệm lớn trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), nói với khách đội mưa đến mua.
Trong tiệm, hàng dài người ngồi xếp hàng chờ tới lượt, tràn cả lối đi. Bà Hoa, 62 tuổi, cho biết đến mua vì "thấy giá đang tăng cao". Có ít tiền tiết kiệm, gửi ngân hàng lãi thấp nên bà rút ra để mua vàng.
"Mọi người nói giá tăng không nên mua, nhưng mấy hôm trước Ngân hàng Nhà nước đấu thầu giá hơn 86 triệu đồng mỗi lượng, tôi nghĩ giá sẽ còn lên", bà nói.
Suy nghĩ của bà Hoa cũng là tâm lý chung của nhiều khách hàng. "Giá ngày càng nóng, tôi sợ không mua luôn thì mai còn tăng", Thúy Hiền, nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy cho biết. Hiền xin nghỉ làm, đội mưa đến mua vàng từ 15 giờ. Cô nói thấy "may mắn" vì còn được ngồi chờ, chỉ cần đến chậm vài phút là phải về.
Đối diện bên kia đường, cửa hàng của PNJ cũng thông báo hết vàng miếng, nhẫn trơn 24K. "Tiệm chỉ còn vài chỉ trang sức. Loại này mua khách phải trả thêm tiền công chế tác 150.000 đồng", nhân viên nói.
Trên đường Xã Đàn (Hà Nội), nhân viên một cửa hàng cho biết, khách phải đặt trước nếu muốn mua số lượng lớn trên 10 lượng và chờ một tuần hoặc nửa tháng vì "đang khan hàng lắm".
Tại TP Hồ Chí Minh, trụ sở của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), nườm nượp khách xếp hàng chờ mua bán.
Giao dịch vàng miếng, theo nhân viên, nhộn nhịp trong vài ngày gần đây, gồm cả hai chiều mua và bán. Theo ghi nhận của phóng viên chiều nay, khách chờ mua lấn át bán ra.
Nhu cầu tăng vọt, từ ngày 9/5, SJC giới hạn mỗi người được mua tối đa 3 lượng vàng miếng một ngày. "Mỗi người chỉ được mua 3 lượng, không mua hộ. Muốn lấy tiếp phải chờ sang hôm sau", nhân viên thông báo.
Một khách hàng nữ lớn tuổi trong lúc chờ mua nhẫn trơn phàn nàn không hiểu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thế nào mà giá doanh nghiệp mua vào đã trên 86 triệu đồng. "Họ mua vào số lượng lớn phải trả mức đó thì làm sao giá sớm hạ được?", bà nói.
Tại SJC, khách tới mua vàng miếng ít hơn lượng người xếp hàng mua nhẫn trơn 24K. Lý giải việc bỏ tiền vào nhẫn trơn, một khách nam trung niên tin rằng kim loại quý còn tăng khi lãi suất thấp kéo dài, các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn.
Từ đầu năm đến nay, vàng sinh lời 15-22%, tốt nhất trong số các kênh đầu tư như chứng khoán, gửi tiết kiệm hay trái phiếu.
"Giờ có tiền, biết bỏ đâu ngoài vàng", người này nói. Bên cạnh đó, từ quan sát lượng giao dịch, quan tâm tới vàng, anh tin rằng cơn sốt kim loại quý sẽ còn kéo dài, giá chưa thể giảm ngay.
Giá vàng miếng SJC chốt phiên hôm nay ở mức kỷ lục, 89,5 triệu đồng. Mức này cao hơn thế giới 18,5 triệu đồng một lượng.
Từ ngày Ngân hàng Nhà nước gọi thầu lần đầu hôm 23/4, mặt hàng này tái diễn tình trạng "một mình một chợ", liên tục tăng nhanh hơn so với thị trường quốc tế. Mục tiêu đấu thầu tăng cung vàng miếng để giảm chênh lệch giá với thế giới đang gặp thách thức trong ngắn hạn.
Hôm qua trong phiên gọi thầu lần thứ 5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng miếng SJC cho 3 đơn vị với giá 86,05 triệu đồng một lượng và ế 13.400 lượng.
Trái với kỳ vọng giảm nhiệt kim loại quý thông qua đấu thầu, giá tăng cao và giao dịch sôi động những ngày gần đây.
Theo chuyên gia, muốn giảm chênh lệch với quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn trong nước. "Việc Ngân hàng Nhà nước đấu giá mức cao như vậy càng kích thích tâm lý người dân tích trữ, khiến mục tiêu kéo gần với thế giới khó khả thi", một chuyên gia nhìn nhận.
TB (Tổng hợp)