Điều kiện xuất khẩu vải thiều vào thị trường các nước

12/04/2023 20:38

Mỗi nước đều có những tiêu chuẩn nhất định với quả vải thiều nhập khẩu. Bà con nông dân, doanh nghiệp cần nắm được để tuân thủ ngay từ khâu sản xuất, xử lý, đóng gói.

\

Vải xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu riêng của thị trường từng nước

1. Châu Âu - Anh 

- Các nước EU và Anh có hệ thống kiểm soát rất chặt chẽ đối với hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, các trường hợp vi phạm đều bị cảnh báo và tùy vào mức độ vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy hoặc tạm ngừng nhập khẩu. 

- Có quy định về giá trị MRLs (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép). Ngoài ra, các quốc gia thành viên cũng có các quy định về MRLs riêng. Về chất lượng vải tươi muốn nhập khẩu vào thị trường EU phải phù hợp với các tiêu chuẩn tiếp thị chung đối với mặt hàng rau quả tươi. Sản phẩm phải nguyên vẹn, sạch sẽ và lành lặn. 

2. Mỹ

- Vải thiều phải thu hoạch tại các vườn nằm trong mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp. Không nhiễm nấm Phytophthora litchi. Thực hiện sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP).

- Vải trước khi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ tại các cơ sở đã được APHIS công nhận dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam và chuyên gia của cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ.

- Các lô hàng vải xuất khẩu sang Mỹ phải được cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.

- Nếu phát hiện dư lượng trong mẫu nông sản mà chưa quy định MRLs của Mỹ thì nông sản đó không được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ. 

3. Nhật Bản

 - Vườn trồng vải thiều phải bảo đảm có thể truy xuất nguồn gốc, phải lập và lưu hồ sơ, nhật ký sản xuất và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã.

- Áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp đối với ruồi đục quả phương Đông.

- Trên các vườn trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản, tuyệt đối không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng, đồng thời tuân thủ nguyên tắc bốn đúng để bảo đảm đáp ứng quy định của Nhật Bản về mức dư lượng tối đa cho phép đối với quả vải tươi xuất khẩu.

- Quy định chi tiết đối với cơ sở xử lý xông hơi khử trùng, cơ sở đóng gói, bao bì và ghi nhãn, việc kiểm tra kiểm dịch thực vật xuất khẩu và nhập khẩu đối với quả vải thiều tươi của Việt Nam. 

- Có quy định quốc gia về giá trị MRLs. Đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản chưa có MRLs thì quy định giới hạn mặc định là 0,01mg/kg.

4. Australia

- Vải thiều phải thu hoạch tại các vườn nằm trong mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp. Cơ sở đóng gói vải phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Trước mỗi mùa thu hoạch, xuất khẩu vải, cơ sở đóng gói phải được cục này kiểm tra đánh giá và công nhận đáp ứng điều kiện nhập khẩu của  Australia.

- Về bao bì và ghi nhãn, bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Australia phải bảo đảm hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm. Thùng carton đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý. 

- Vải xuất khẩu đi Australia phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

- Lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Australia và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Giấy chứng nhận) do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp. 

PV(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều kiện xuất khẩu vải thiều vào thị trường các nước