Điều ít biết về nơi lưu giữ những cổ vật cung đình Nguyễn

30/05/2022 10:20

Sách "Bảo tàng Khải Định" cung cấp nhiều thông tin quý về một trong những nơi đầu tiên lưu giữ cổ vật cung đình Nguyễn.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập năm 1923 với tên gọi ban đầu là Museé Khải Định (Bảo tàng Khải Định). Đây là nơi lưu giữ và trưng bày các sưu tập cổ vật cung đình Huế xưa, phản ánh đời sống vật chất, lễ nghi của tầng lớp quý tộc, vua quan Nguyễn, thể hiện qua các trang phục, đồ sứ ngự dụng, đồ tự khí, đồ gỗ trang trí nội thất, với nhiều loại chất liệu khác nhau như: vàng, bạc, đồng, xương, ngà, pháp lam, gốm sứ, gỗ, vải, giấy…

Sách Bảo tàng Khải Định

Tình trạng thất thoát cổ vật đầu thế kỷ 20

Nơi trưng bày chính của bảo tàng là điện Long An - công trình được xây dựng năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Sau triều đình giao cho Quốc tử giám dùng làm nơi lưu trữ tài liệu, gọi là Tân thơ viện.

Điện Long An cũng từng là trụ sở của Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Húe - AAVH), nơi hội tụ các học giả chuyên nghiên cứu về Huế nói riêng và Việt Nam nói chung đầu thế kỷ XX.

Với tập san Bulletin des Amis du Vieux Húe (viết tắt BAVH), những năm 1914-1944, AAVH đã xuất bản 122 số ấn phẩm gồm nhiều bài khảo cứu có giá trị trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật… Trong đó, đặc khảo Bảo tàng Khải Định (bằng tiếng Pháp) phát hành năm 1929, chỉ 5-6 năm sau khi bảo tàng này được thành lập, là một trong những công trình có giá trị bậc nhất mà tổ chức này từng xuất bản (cùng Nghệ thuật Huế, Những điều chưa biết về thuốc phiện).

Tác phẩm này đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về bảo tàng Khải Định, một trong những bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam lưu giữ cổ vật cung đình triều Nguyễn, từ ý tưởng, tiêu chí, xây dựng, chính sách đến những bộ sưu tập lưu giữ ở bảo tàng này.

Theo tác phẩm, Hội Những người bạn Cố đô Huế ngay từ buổi đầu thành lập (1913) đã được triều đình An Nam cho phép sử dụng Tân thơ viện, nơi lưu trữ những đồ nội thất, tượng, bình hoa, lư hương… làm nơi tổ chức các buổi họp mặt của hội. Tất cả đồ vật và nghệ thuật ở đó đã trở thành điểm khởi đầu của bảo tàng Khải Định sau này.

Điện Long An nơi đặt trụ sở chính của Bảo tàng Khải Định xưa và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày nay

Trong những năm đầu hoạt động, với mong muốn không để những ký ức xưa liên quan đến chính trị, lịch sử và văn chương rơi vào quên lãng, AAVH đã góp phần vào việc bảo tồn nhiều cổ vật có nguy cơ bị bán, bị lấy cắp, bị chuyển ra khỏi lãnh thổ An Nam, bị rơi vào các bộ sưu tập cá nhân ở châu Âu.

Để đối phó với thực trạng mất mát, những thành viên trong hội đã nỗ lực gom về Tân thơ viện tất cả cổ vật của triều đình xưa. Những tặng vật bằng nhiều chất liệu khác nhau có giá trị cao được đưa về. Đức vua thì tặng những bộ lễ phục sang trọng…

Thế nhưng những việc làm này chỉ là một quá trình tích góp nhỏ giọt. Chính vì vậy, AAVH đã nỗ lực trong việc thành lập một viện bảo tàng, ban đầu là dưới sự chỉ đạo của hội, sau đó sẽ hoạt động độc lập.

Năm 1922, trước chuyến đi Pháp của vua Khải Định ít ngày, khâm sứ Pasquier đã giới thiệu với các thành viên ở văn phòng AAVH dự án thành lập bảo tàng.

Trở về từ Pháp, vua Khải Định đã trích 3.000 đồng từ ngân khố địa phương năm 1923 để mua những hiện vật cho bảo tàng. Số tiền này được giao cho AAVH quản lý. Pasquier đã đề nghị các thành viên chủ chốt của hội này phụ trách việc mua những món đồ mỹ nghệ mang dấu ấn nghệ thuật có nguy cơ biến mất.

Ông ta cũng dự kiến những món đồ này sẽ được sử dụng cả vào việc làm vật mẫu cho một trường mỹ thuật bản xứ (nơi đào tạo các nghệ nhân) mà ông đang ấp ủ thành lập.

Những nỗ lực bảo tồn

Có thể thấy rõ hai lý do chính mà dự án thành lập Bảo tàng Khải Định đưa ra, trước hết là nhằm chống lại tình trạng thất thoát của những hiện vật quý, sau là nhằm đào tạo những người thợ tương lai để hồi sinh những mẫu vật hoàn hảo nhất của nghệ thuật An Nam.

Vua Khải Định đã cho phép thành lập ở Huế một bảo tàng. Nhà vua cũng thể hiện sự quan tâm cao độ của mình qua việc cho sử dụng Tân thơ viện để lưu giữ các bộ sưu tập tương lai, từ đó tòa nhà này mang tên Bảo tàng Khải Định.

Một số cổ vật triều Nguyễn được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày nay

Bảo tàng Khải Định được đặt dưới sự giám sát của AAVH nhằm thực hiện các bộ sưu tập, khôi phục một số nội thất bản địa, cứu lấy một số mẫu vật nghệ thuật An Nam (tủ kệ xưa, đồ gốm, đồ men sứ, sơn mài, đồng, đồ thêu, tranh vẽ, đồ chạm khắc, nữ trang, thuộc da, đồ thờ cúng và đồ thờ gia đình)...

Để đảm bảo cho sự vận hành của bảo tàng một cách rạch ròi, Pasquier đã ra nghị định ngày 15.10.1923 giao trách nhiệm cho một ủy ban đặc biệt, chuyên quản lý những khoản ngân sách được sử dụng cho cơ sở này.

Đến năm 1924, bảo tàng đã trở thành một cơ sở độc lập, tự quản, có nguồn tài chính riêng, có một mục tiêu đã định từ trước đó.

Thư viện được chuyển khỏi tòa nhà, những bộ sưu tập của bảo tàng đã tăng lên đáng kể và chiếm hầu hết không gian trống.

Khi đi vào hoạt động, bảo tàng đã nhận được sự đón nhiệt nồng nhiệt của công chúng. Năm thứ nhất, có khoảng 1.300 khách tham quan ghi danh trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 9. Năm thứ hai là 3.900 khách. Đến năm 1926 là 7.000 khách.

Năm 1927, Viện Viễn Đông bác cổ đã thành lập trong khuôn viên bảo tàng Khải Định một khu trưng bày về văn hóa Chàm cổ, điều này đã giúp cho chuyên môn của bảo tàng ngày càng phát triển.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều ít biết về nơi lưu giữ những cổ vật cung đình Nguyễn