Vào thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiều địa phương, đơn vị đã và đang thực hiện công tác điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.
Đây là một bước rất quan trọng cho việc chuẩn bị nhân sự của Đại hội Đảng bộ các cấp. Điều chuyển, bổ nhiệm đúng thì đơn vị, địa phương sẽ có thêm nhân tố mới đủ đức, đủ tài để lựa chọn đưa vào phương án nhân sự mới. Nhưng nếu không đánh giá đúng nhân sự theo phương châm mà các nghị quyết, quy định về công tác cán bộ của Đảng đã đề ra từ sau Đại hội lần thứ XII sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc bầu cử, sắp xếp bộ máy lãnh đạo, quản lý trong thời gian sau đại hội.
Đó cũng là vấn đề được nêu ra tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 3.9.2019. Công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2019 được đánh giá là “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”, song tổ chức và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng còn hạn chế. Ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua 1.459 cuộc thanh tra, kiểm tra về tổ chức, cán bộ ở các ngành, địa phương, đã thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với 131 trường hợp; thu hồi, hủy bỏ quyết định tiếp nhận 176 trường hợp và xử lý, kỷ luật nhiều trường hợp nâng ngạch, chức danh sai quy định…
Những số liệu nêu ra tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có thể còn xa với thực tế đang diễn ra nhưng cũng là sự cảnh báo, nhắc nhở trong thời điểm tới đây cần siết chặt công tác điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ ở các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Công tác cán bộ không sàng lọc kỹ từ đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, tổ chức dung túng những người thiếu điều kiện, tiêu chuẩn thì làm sao sau này có đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, điều hành thực thi các nghị quyết mà Đại hội Đảng đề ra. Để có thể tránh những sai sót trong nhiệm vụ này, đòi hỏi người đứng đầu cấp ủy đảng các cấp cùng tập thể lãnh đạo cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch của Tỉnh ủy về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Cần đề cao và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình chặt chẽ, tư tưởng sáng suốt, thái độ công minh… trong đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức cán bộ. Đồng thời, cũng cần lắng nghe dư luận, tiếng nói từ cán bộ, đảng viên, phản biện của MTTQ và người dân từ cơ sở để có được những quyết định chính xác.
Với niềm tin đối với Đảng, dư luận xã hội đang từng bước dõi theo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp và mong rằng việc điều chuyển, bổ nhiệm cán bộ đạt yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thời kỳ mới.
NGUYỄN THẾ (TP Hải Dương)