Diệt trừ nịnh bợ từ đâu?

13/01/2019 10:21

Để diệt trừ được nịnh bợ, cần phải bắt đầu từ những người lãnh đạo, người giữ các trọng trách trong cơ quan, đơn vị...

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ với 4 nội dung chính về: Tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, chủ đề được dư luận đưa ra thảo luận nhiều nhất trong những ngày vừa qua là việc công chức, viên chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì mục đích không trong sáng.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng quy định này khó thực hiện bởi những khái niệm như “nịnh bợ, lấy lòng”, “mục đích không trong sáng” hoàn toàn cảm tính. Ranh giới giữa những khái niệm này và văn hóa giao tiếp thông thường khá mong manh, có thể lập lờ nên rất khó xác định...

Nhưng thiết nghĩ đây là một đề án về văn hóa mà bản thân văn hóa là lĩnh vực mà các khái niệm đa phần không thể định lượng được một cách chi li, chính xác đến từng chi tiết nên việc trong đề án có các quy định như vậy là hợp lý.

 Điều quan trọng hơn cả là việc đưa ra quy định này phù hợp với thực tế có rất nhiều công chức, viên chức đã, đang tìm nhiều cách để nịnh bợ, lấy lòng cấp trên bằng lời nói, hành động, vật chất… Mục đích của việc nịnh bợ, lấy lòng là để được ưu tiên, hưởng lợi trong công việc, trong sự thăng tiến. Tác động của hành vi nịnh bợ có thể khiến môi trường làm việc trở nên không công bằng, khiến nhiều công chức, viên chức ngay thẳng cảm thấy bị ức chế, sự đánh giá năng lực làm việc của công chức, viên chức từ cấp trên không thật sự công minh, bổ nhiệm những người không xứng đáng… Quy định này được đưa ra trong Đề án Văn hóa công vụ giống như sự thừa nhận thực trạng nhức nhối đó đang tồn tại, thậm chí khá phổ biến nên mới cần cảnh báo, ngăn chặn. Đồng thời cho thấy xã hội đang rất quan tâm và lãnh đạo cấp cao tích cực vào cuộc để xây dựng văn hóa công vụ liêm chính, lành mạnh trong nhiều khía cạnh, biểu hiện.

Tuy không thể định lượng việc nịnh bợ nhưng trong thực tế, hầu hết mọi người đều có thể cảm nhận hành vi này. Để diệt trừ được nịnh bợ, cần phải bắt đầu từ những người lãnh đạo, người giữ các trọng trách trong cơ quan, đơn vị. Cấp trên cần hết sức tỉnh táo trước những lời khen ngợi, đánh giá quá cao so với thực tế của cấp dưới. Những lời khen ngợi đó có thể xuất hiện trong các cuộc họp, các tình huống công việc cũng như cuộc sống thường ngày. Cần phân biệt được sự đánh giá tích cực, vô tư, khen ngợi thật lòng với sự nịnh nọt, bợ đỡ để có thái độ ứng xử phù hợp, ngăn chặn hành vi này của cấp dưới. Mỗi công chức, viên chức cũng cần nâng cao lòng tự trọng của bản thân để không xu nịnh cấp trên, đồng thời có ý thức góp ý để điều chỉnh nếu hành vi này xuất hiện tại nơi mình làm việc. Trên thực tế, những người nịnh bợ thường là những người có năng lực chuyên môn trong công việc kém hơn đồng nghiệp nhưng lại muốn được đánh giá cao hơn, được nâng đỡ nên mới sử dụng cách “mồm miệng đỡ tay chân”. Bởi vậy, việc tuyển dụng công chức, viên chức nghiêm túc, chặt chẽ, chỉ tuyển những người có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu công việc, đồng thời mỗi ngành, mỗi cơ quan phải xây dựng được những cách đánh giá năng lực, kết quả thực hiện công việc của công chức, viên chức chính xác, sát thực tế cũng sẽ hạn chế được tình trạng nịnh bợ cấp trên vì mục đích không trong sáng.

SONG KHUÊ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Diệt trừ nịnh bợ từ đâu?