Thị trường

Điện mặt trời mái nhà 0 đồng khuyến khích tự dùng, không phải để mua bán

H.A (theo Tuổi trẻ) 30/04/2024 13:12

Bộ Công Thương đưa ra giải thích rõ hơn về chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, công sở, khu công nghiệp và áp dụng giá 0 đồng với hệ thống nối lưới.

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự dùng tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN
Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự dùng tại TP Hồ Chí Minh

Bộ Công Thương cho hay việc xây dựng quy định trên là thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, quy định nêu rõ: "Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia".

Đáp ứng nhu cầu tự dùng

Vì vậy dự thảo lần này đưa ra quy định với hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà gồm có đấu nối và không đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Chính sách giá 0 đồng chỉ áp dụng với sản lượng điện mặt trời mái nhà "tự sản tự tiêu" dư thừa phát lên lưới điện quốc gia và giới hạn công suất là 2.600 MW.

"Sở dĩ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu phát điện lên lưới quốc gia sẽ có giá 0 đồng là bởi Nhà nước muốn khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển điện mặt trời mái nhà để đáp ứng nhu cầu tự dùng, góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia" - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Cũng theo bộ này, cơ sở hạ tầng lưới điện của nước ta những năm qua dù đã được đầu tư, nâng cấp, từng bước hiện đại hóa, nhưng không có nghĩa là có thể hoàn toàn đáp ứng được mọi nguồn điện với đủ các mức công suất khác nhau.

Để đáp ứng được, phải có công nghệ lưu trữ, công nghệ vận hành điều độ hệ thống lưới điện, nguồn điện nền có thể kịp thời phát khi điện gió, điện mặt trời sụt giảm.

Trường hợp khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và cho phép nối lưới không giới hạn công suất, thì công tác vận hành lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp rất nhiều khó khăn và nguy cơ cao mất an toàn hệ thống điện quốc gia ở mức rất cao.

Nguồn điện này phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, nhưng đây lại là những yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời, lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định.

Khuyến khích để ngăn trục lợi chính sách

Trong khi đó tỉ trọng dự phòng nguồn điện hiện tại vẫn thấp và chưa có giải pháp về tích trữ điện đồng bộ ở quy mô quốc gia. Do đó, cần có các biện pháp giới hạn tỉ trọng điện mặt trời hòa lưới để đảm bảo vận hành ổn định của hệ thống điện, tránh bị "vỡ" quy hoạch.

Bên cạnh đó Quy hoạch điện 8 cũng khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhưng không phải được phép bán điện. Mục tiêu nhằm tập trung vào việc sử dụng điện mặt trời để tự cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, thúc đẩy sự tiết kiệm năng lượng và giảm lượng điện tiêu thụ từ lưới điện quốc gia.

Trong điều kiện hiện tại của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, Bộ Công Thương khẳng định giải pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia là cần thiết và phù hợp, vừa khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu, vừa ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách.

Để khuyến khích loại hình này, dự thảo được xây dựng đưa ra cơ chế khuyến khích, như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

H.A (theo Tuổi trẻ)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điện mặt trời mái nhà 0 đồng khuyến khích tự dùng, không phải để mua bán