Thủ tướng giao Bộ trưởng Công thương trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn trước 30/4.
Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tại Công điện số 38 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng nhận định, năm 2024 còn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian mùa khô (tháng 5 đến tháng 7) được dự báo tăng trưởng rất cao (lên đến 13%, cao hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 9,6%), riêng miền Bắc dự kiến tăng kỷ lục 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện thời gian tới, bảo đảm không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công thương đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, hiệu quả, các nhà máy điện vận hành an toàn, hạn chế tối đa sự cố, bảo đảm cung ứng đủ điện năm 2024 và các năm tiếp theo.
"Về cơ chế, chính sách mua bán điện: khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 30/4 cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn; cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp tự sản, tự tiêu; cơ chế, chính sách phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ", công điện nêu yêu cầu đối với Bộ trưởng Công thương.
Về tiến độ các dự án nguồn điện trong Quy hoạch và Kế hoạch điện VIII, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công thương tập trung chỉ đạo việc lựa chọn nhà đầu tư, triển khai nhanh các dự án nguồn điện trong Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII, bảo đảm kịp thời bổ sung nguồn điện mới đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải hằng năm.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các nhà máy nhiệt điện than Công Thanh và Nam Định 1 trước ngày 1/7 để bảo đảm mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và cung ứng điện cho miền Bắc.
Về tiến độ các dự án truyền tải điện, Thủ tướng giao Bộ trưởng Công thương khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối để đưa vào sử dụng trước ngày 30/6, các dự án truyền tải điện từ Lào để kịp thời bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu đất của các tỉnh đã được phân bổ, chuyển mục đích sử dụng đất cho phát triển nguồn và tải điện và dự báo chính xác tình hình khí tượng, thủy văn để chủ động đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN tăng cường phối hợp hiệu quả, tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, phải chống tiêu cực, lãnh phí, đùn đẩy trách nhiệm; chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc vận hành ổn định, an toàn, tin cậy và khắc phục nhanh các sự cố (nếu có) đối với các nguồn điện của EVN, PVN và TKV.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch, Tổng Giám đốc EVN triển khai nhanh, quyết liệt các dự án nguồn và lưới điện được giao làm chủ đầu tư bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, đặc biệt, tập trung cao độ, triển khai nhanh nhất các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối; phấn đấu hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ nhập khẩu điện từ Lào trong tháng 5 như Trạm cắt Đắk Oóc, đường dây 200 kV Nậm Sum - Nông Cống…
Thủ tướng cũng chỉ đạo lãnh đạo EVN chủ động tích cực, kịp thời hơn nữa việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường và tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, không để lãng phí nguồn lực xã hội.
Vẫn theo yêu cầu của Thủ tướng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trên địa bàn, nhất là áp dụng các giải pháp tối ưu, ứng dụng công nghệ tự động, sử dụng năng lượng mặt trời, thay thế đèn tiết kiệm điện…
Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các cơ quan địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, EVN và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện có kế hoạch sử dụng nước tối ưu nhất, vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đồng thời ưu tiên tối đa nguồn nước dự phòng phục vụ phát điện trong thời gian cao điểm.
T.H (theo VTC News)