Năm nay, nhiều ngành học tăng điểm chuẩn từ 3 đến 11 điểm khiến thí sinh ngỡ ngàng, không kịp trở tay. Vậy thí sinh cần lưu ý gì trong mùa tuyển sinh 2022?
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT (ảnh minh họa)
Điểm chuẩn tăng phi mã
Mùa tuyển sinh 2021 chứng kiến hiện tượng điểm chuẩn tăng “phi mã” ở một số ngành học. Mức tăng nằm ngoài tưởng tượng, dự đoán trước đó của nhiều người, ngành “tăng nhẹ” ở mức 3 - 4 điểm, còn tăng mạnh thì từ 9 đến 11 điểm.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hiệu lực của Luật Giáo dục sửa đổi, từ năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia được thay thế bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tính chất, mục tiêu của 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau dẫn tới sự phân hóa của đề thi và kết quả đạt của thí sinh cũng hoàn toàn khác nhau.
Kỳ thi THPT quốc gia mang tính chất "2 trong 1", kết quả vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng nên tính phân hóa của đề thi tốt và rõ nét hơn, nhiều câu hỏi/bài tập mang tính thách thức để tuyển lựa, phân biệt rõ các nhóm học sinh trung bình - khá - giỏi. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như chỉ còn mục tiêu duy nhất làm căn cứ xét tốt nghiệp, đề thi dễ hơn, giới hạn và phạm vi kiến thức hẹp hơn, tính chất phân hóa kém hơn hẳn.
Điều đáng tiếc là mặc dù kỳ thi THPT đã bỏ đi tính chất "2 trong 1" nhưng thực tế các trường đại học, cao đẳng vẫn chưa thể có được giải pháp thay thế khác đủ tin cậy.
Các trường đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, tăng tỷ lệ tuyển sinh bằng các phương thức khác như: tuyển thẳng bằng giải thưởng học sinh giỏi, tuyển thẳng bằng xét tuyển học bạ, tuyển thẳng bằng xét tuyển kết hợp với chứng chỉ quốc tế, quy đổi điểm chứng chỉ quốc tế thành điểm thi.... nhưng kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ chủ yếu để các trường xét tuyển. Đặc biệt là khi các trường khó tổ chức kỳ thi riêng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 diễn ra vào đúng mùa thi.
Theo thầy Ngọc, hệ quả của việc trên là năm 2020 điểm chuẩn nhiều trường tăng cao đạt tới mức kỷ lục trong lịch sử. Tưởng chừng đó là bài học với các trường và thí sinh, nhưng không, bước sang mùa tuyển sinh năm 2021, kỷ lục về điểm chuẩn liên tục bị phá vỡ, nhiều ngành học lấy trên 30 điểm trúng tuyển.
Ngoài nguyên nhân chính là sự phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT ngày càng kém hơn trước và sự đa dạng trong các phương thức xét tuyển làm giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi, đẩy điểm chuẩn tăng mạnh hơn trước. Còn một nguyên nhân cũng rất quan trọng khác là xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh.
Do không được tư vấn, thông tin, định hướng một cách đầy đủ, đa số thí sinh chọn ngành nghề hoàn toàn theo cảm tính, phong trào và chỉ tập trung vào một số ít nhóm ngành về Kinh tế, Y - Dược và liên quan tới công nghệ thông tin,... khiến điểm chuẩn tăng rất mạnh, thậm chí cả ở những trường chưa có truyền thống đào tạo hay thế mạnh về những ngành này, vượt xa tương quan so với các ngành khác.
Điều này dẫn đến một hệ quả khác là ngay trong bối cảnh mặt bằng chung của điểm thi và điểm chuẩn tăng mạnh, vẫn có những ngành "mời mãi mà không có thí sinh chịu học", điểm chuẩn gần như sát sàn, thậm chí còn giảm mạnh.
Bài học cho mùa tuyển sinh 2022
Những “cú sốc” về điểm chuẩn đại học năm nay để lại nhiều bài học đắt giá cho học sinh những lứa sau. Với xu hướng điểm chuẩn cao như năm nay, thầy Ngọc cho rằng, lứa thí sinh 2004 tới đây cần lưu ý một số vấn đề.
Thứ nhất, trong tình thế hiện nay, chắc chắn xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh vẫn sẽ còn được nhiều trường đại học lựa chọn để chủ động nguồn tuyển trước các biến động. Do đó, các thí sinh cũng phải đa dạng hóa các con đường để vào đại học.
Sau khi đã tìm hiểu và lựa chọn được trường và nhóm ngành mình quan tâm thì cần cân nhắc xem trong số các phương thức tuyển sinh đó thì phương thức nào phù hợp nhất và mang lại lợi thế lớn nhất cho bản thân để lựa chọn. Tốt nhất nên dự phòng từ 2 đến 3 phương thức xét tuyển, miễn sao không quá mâu thuẫn nhau và không tạo ra sự quá tải trong quá trình học và ôn thi.
Thứ hai, với những bạn có năng khiếu đặc biệt ở một số môn học nhất định, có thể tính tới việc tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi ngay từ năm lớp 10 và 11 để đạt giải. Hiện nay, rất nhiều trường đại học, kể cả trường top đầu đều tuyển thẳng hoặc cộng điểm quy đổi tương ứng với giải thưởng cho học sinh đạt giải thưởng HSG từ cấp tỉnh/thành phố trở lên.
Với những bạn năng khiếu ở môn ngoại ngữ, có quá trình học ngoại ngữ được tích lũy lâu dài thì nên hoàn thành việc thi chứng chỉ quốc tế trong năm lớp 11 hoặc trước kỳ I của lớp 12.
Thứ ba, để chủ động việc xét tuyển bằng học bạ hoặc đáp ứng các điều kiện xét tuyển bằng học bạ, ngay từ năm lớp 10, các em cần duy trì đều đặn việc học thật tốt, ưu tiên các môn học trong khối thi chính dùng để xét tuyển đại học nhưng cũng phải bảo đảm hoàn thành các yêu cầu tối thiểu ở các môn học còn lại.
Thứ tư, nếu thí sinh sử dụng các kết quả thi để xét tuyển, hãy nhớ rằng dù thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi đánh giá năng lực riêng của các trường đại học thì nền móng quan trọng nhất vẫn phải là dựa trên học thật, hiểu thật và có năng lực thật. Thay vì sa đà vào việc học các công thức tính nhanh, các mẹo tắt, hãy dành thời gian để học thực chất, hiểu thực chất và nắm vững các vấn đề một cách bản chất thì các em mới có đủ năng lực để thích ứng với yêu cầu của bất cứ kỳ thi nào.
Khi đã hình thành được năng lực tốt rồi thì trước kỳ thi diễn ra một thời gian ngắn, chỉ cần các em luyện tập với một số đề thi mẫu để làm quen với cách thức là có thể chuyển hóa năng lực thành kết quả, thầy Ngọc nhấn mạnh.
Theo VTC New