Di tích lịch sử văn hóa đình Đông bị nghiêng

24/11/2018 12:09

Đình Đông (xã Thanh Tùng, Thanh Miện) là một trong số ít ngôi đình còn giữ lại được các nét văn hóa cổ trên địa bàn tỉnh.


Đình Đông- nơi phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền huyện Thanh Miện. Ảnh: Thành Chung

Đình Đông được xây dựng từ thế kỷ XVI, làm hoàn toàn bằng gỗ lim, với kiến trúc chữ Đinh, gồm nhà thiêu hương, giếng, 3 gian tả vu, 5 gian ngoài, 5 gian giữa và 4 gian hậu cung. Các hình khối, đường nét, hoa văn chạm khắc trang trí trong đình rất phong phú, sinh động như rồng, phượng, chim thú, xà cừ... mang dấu ấn đặc trưng của thời hậu Lê.

Đình Đông thờ "tứ vị đại vương", gồm 2 vị tôn thần là Đại Đô, Kiều Đại Đô và 2 vị phúc thần đều là những người con xã Thanh Tùng. Một người là danh nhân Nguyễn Phục (1433- 1470), một người là Đỗ Uông (1523 -1600). Cả Nguyễn Phục và Đỗ Uông đều là những danh tướng, có nhiều đóng góp cho đất nước. Sau khi các ông mất, được triều đình các nhà Lê, Nguyễn nhiều lần ban sắc phong, phong làm Phúc thần để tưởng nhớ công ơn.

Trải qua 1 lần trùng tu vào thế kỷ XVIII và những thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn lưu giữ được nguyên vẹn quy mô, kết cấu kiến trúc từ khi khởi dựng. Phần nội tự đình còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị văn hóa giúp cho việc nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống. Đó là các bức hoành phi, đại tự, hệ thống long đao, bát bảo, các kiệu giá văn... thời Lê hiếm gặp.

Với kiến trúc độc đáo, đình Đông từng là nơi tổ chức các tiết lệ, hội lễ hằng năm của nhân dân xã Thanh Tùng và cũng là nơi ghi nhiều dấn ấn lịch sử trong Cách mạng tháng Tám 1945.

Hệ thống xà, cột trong đình Đông đã mục ruỗng, xuống cấp

Trong thời gian từ năm 1940-1945, một căn hầm bí mật được xây dựng cạnh đình, ngay dưới nền nhà một chánh tổng đã được giác ngộ cách mạng, rộng khoảng 8 m, dài khoảng 25 m, sâu khoảng 3 m. Cửa hầm chỉ vừa 1 người chui vào, nhưng phía trong rất rộng, có thể chứa được hơn 100 người. Trước Cách mạng Tháng Tám, căn hầm là nơi chứa tài liệu, vũ khí và tập luyện của lực lượng Việt Minh huyện.

Cuối tháng 4 và đầu tháng 5.1945, Tỉnh ủy đã tổ chức 2 hội nghị cán bộ chủ chốt tại đình Đông để tích cực chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 18.8.1945, tiếng trống dài đình Đông đã vang động báo đi lệnh Tổng khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang và nhân dân trong vùng tập trung về bãi Đông trước cửa đình rồi từ đó tiến về huyện lỵ Thanh Miện giành chính quyền, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám.

Với ý nghĩa văn hóa, lịch sử đó, đình Đông được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1988. Đây cũng là một trong những di tích đầu tiên được xếp hạng cấp quốc gia của huyện Thanh Miện.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, đình Đông đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện ngôi đình bị nghiêng về phía tây 25-30 độ. Những hình chạm khắc hoa văn trên các phiến gỗ bị phai mờ nhiều. Hệ thống kèo, cột, con rường bị mối mọt, một số xà, hoành đã hỏng gần hết. Thiêu hương trước cửa đình đang được chằng tạm bằng dây thép.

Bức tường gỗ phía trước đình được chằng buộc nhiều chỗ

Theo lãnh đạo xã Thanh Tùng, năm 1988, sau khi được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa, ngành chức năng cũng đã đầu tư nâng cấp một số lần nhưng do kinh phí quá thấp nên chỉ có thể sửa chữa nhỏ. Địa phương mới chỉ tháo gỗ ở bức tường hậu chuyển sang lắp vào bức tiền, xây bê tông bức hậu, đổ bê tông 4 chân cột chính, dựng thêm 1 cột bê tông.

Ông Nguyễn Văn Tơ, thủ từ của đình cho biết mái đình hiện có 18 chỗ dột nên những ngày trời mưa, dù đang bận ông cũng phải bỏ hết công việc lại để ra đền hứng nước. Có những ngày trời mưa to, hứng không kịp, nước chảy khiến nền ướt đến 10 ngày, nửa tháng không khô được.

Theo ông Vũ Đình Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tùng, từ năm 2009 đến nay, xã đã nhiều lần đề nghị huyện, các ngành chức năng của tỉnh, trung ương cấp kinh phí trùng tu ngôi đình nhưng chưa được phê duyệt. "Đánh giá bằng mắt thường cũng có thể thấy rất rõ sự xuống cấp của ngôi đình này. Để trùng tu, nâng cấp nhưng vẫn giữ được các giá trị nguyên bản của ngôi đình cần nhiều kinh phí. Trong khi kinh phí từ các nguồn xã hội hóa, tiền công đức, địa phương cũng chỉ có thể sửa chữa nhỏ. Đề nghị các ngành chức năng sớm quan tâm, đầu tư nâng cấp bảo tồn một di tích có giá trị văn hóa, lịch sử như đình Đông", ông Hùng nói.

HẠNH DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Di tích lịch sử văn hóa đình Đông bị nghiêng