Di tích

Đình Bá Liễu (TP Hải Dương) thờ vị công thần giúp vua đánh giặc Tống

NHẬT HỮU 05/07/2024 09:05

Đình Bá Liễu, phường Hải Tân (TP Hải Dương) thờ hai vị Thành hoàng, trong đó có một vị công thần giúp vua đánh giặc Tống thời Lý (thế kỷ XI), được tặng phong “Trung đẳng phúc thần Đại vương”.

ba-lieu.jpg
Đình Bá Liễu

Huyền tích Thành hoàng

Theo các tư liệu còn lưu trữ tại đình, vào thời Lý, tại trang Tây Liễu, huyện Trường Tân, có một gia đình họ Đoàn, tự là Nghĩa Sơn, hiệu là Đoan Tịnh, vợ là Trịnh Thị Loan. Hai ông bà tuổi cao mới sinh được một người con trai, diện mạo khôi ngô, thiên tư sáng lạn, nhân đó đặt tên là Minh, thuỵ hiệu là Đoàn Nghĩa Ảm.

Từ nhỏ, Đoàn Nghĩa Ảm thường lặng lẽ ở trong nhà học chữ xem sách. Năm Đoàn Nghĩa Ảm 13 tuổi, bố mẹ đều qua đời. Đoàn Nghĩa Ảm phục tang 3 năm, hết lòng hiếu kính. Triều Lý Thánh Tông, niên hiệu Long Thuỵ thứ 3 (năm 1056) mở khoa thi tuyển chọn người tài, Đoàn Nghĩa Ảm và con của chú ruột cùng ứng thí và đỗ đạt, được vua ban cờ biển vinh quy, chiếu chỉ cho trang phường đón tiếp.

Tượng thờ thành hoàng Đoàn Nghĩa Ảm tại hậu cung đình
Tượng thờ thành hoàng Đoàn Nghĩa Ảm tại hậu cung

Bấy giờ, giặc Tống đem quân xâm chiếm nước Nam. Vua Lý Thánh Tông triệu hồi ông đến kinh thành cùng đình thần hội bàn kế đánh giặc. Vua phong cho ông chức “Đô hộ bá sứ”, đem quân đánh giặc ở Diễn Loan. Chiến đấu dũng cảm, ông đã tử trận tại chiến trường.

Vua Lý đem thi thể ông về làm lễ theo quy chế, tặng Bách linh thần, dựng tháp, viết sắc phong, ban tiền lập miếu, phụng thờ làm Thành hoàng làng, lại miễn sưu thuế, sai dịch cho nhân dân, lấy chữ “Bá” đổi tên trang Tây Liễu thành trang Bá Liễu. Sau, ông linh thiêng hiển ứng có công bảo vệ nước, che chở cho dân, được các triều phong mỹ tự và suy tôn “Trung đẳng phúc thần Đại vương”.

Văn bia tại di tích ghi nhận, đình Bá Liễu xây dựng từ khá sớm để thờ các vị Thành hoàng làng. Đến năm 1760, ngôi đình được tu sửa lại, dân xã đóng góp công đức rất nhiều, trong đó có Hậu thần Trần Quý Công, tên tự là Hữu Du, hiệu là Phúc Tân. Năm 1785 và 1893, đình tiếp tục được tu sửa. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung bằng chất liệu gỗ lim.

Bia đá thời Lê và thời Nguyễn tại di tích
Bia đá thời Lê và thời Nguyễn tại di tích

Khôi phục, bảo tồn

Lễ hội truyền thống đình Bá Liễu tổ chức vào ngày 9 tháng giêng hằng năm, kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Đoàn Nghĩa Ảm. Theo bút tích lưu truyền lại, khi xưa trong một năm làng tổ chức 3 kỳ lễ, tuy nhiên kỳ lễ tháng giêng là dài ngày và trọng thể nhất, diễn ra từ ngày mùng 7 đến ngày 15, dân làng đóng góp tiền theo suất đinh để mổ lợn, nấu xôi, mua sắm hương hoa, trầu, rượu cúng tế Thành hoàng, sau đó chia phần theo hàng giáp.

Vào ngày chính hội (mùng 9), dân làng tổ chức rước tượng Thành hoàng Đoàn Nghĩa Ảm từ đình đến Đống giao quan, đón đoàn rước của đình làng Phú Tảo về đình Bá Liễu làm lễ với ý nghĩa giao hảo giữa các địa phương. Ngoài rước, tế lễ, hội đình còn diễn ra các trò chơi dân gian như chọi gà, cờ người, đấu vật, các tiết mục văn nghệ như hát chèo, quan họ... thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.

ngoc-pha-bang-chu-han-tai-di-tich-1-(1).jpg
Ngọc phả bằng chữ Hán tại di tích

Năm 1979, 5 gian đại bái đình bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Năm 1981, dân làng góp tiền của khôi phục 3 gian đại bái với quy mô nhỏ.

Do nhu cầu tín ngưỡng và mở rộng không gian thờ tự, đến năm 2007 đình Bá Liễu được xây dựng lại khang trang như hiện nay trên khuôn viên rộng gần 1.400 m2, chất liệu bằng bê tông cốt thép theo kiểu đao tàu déo góc, móng và tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Kết cấu các vì kèo chính kiểu giá chiêng, các mảng hoạ tiết hoa văn đắp vẽ theo đề tài lá lật truyền thống. Đình còn lưu lại nhiều cổ vật quý từ thời Lê và thời Nguyễn như ngọc phả, bia đá, sắc phong, ngai thờ, đại tự...

Với ý nghĩa lịch sử và những giá trị văn hoá còn lưu giữ, năm 2010, đình Bá Liễu được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử, văn hoá. Trong những năm gần đây, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công, góp của để tôn tạo, xây dựng các hạng mục phụ trợ như giải vũ, cổng đình... mở rộng không gian của di tích, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.

Ngoài mang những giá trị văn hoá tâm linh, đình Bá Liễu còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), đình là nơi trú ẩn của cán bộ và du kích bí mật nằm vùng; địa điểm thành lập Uỷ ban lâm thời kháng chiến; nơi diễn ra các hoạt động cứu tế, các lớp bình dân học vụ; kho lương thực của thị xã Hải Dương. Nơi đây còn là kho chứa vũ khí, đạn dược của đơn vị pháo binh bảo vệ cầu Phú Lương trong kháng chiến chống Mỹ.

NHẬT HỮU
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình Bá Liễu (TP Hải Dương) thờ vị công thần giúp vua đánh giặc Tống
    ss